Người viết bài này cảm thấy như nghẹt thở khi xem clip chủ nhóm lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) đánh trẻ, ngồi đè lên bụng và cố nhét trái cây vào miệng trẻ.
Trời ơi, đáng lẽ bữa ăn phải là những phút giây hạnh phúc và vui vẻ nhất của trẻ mà sao người lớn lại biến nó thành ra khổ sở, đau đớn như thế này!
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không được ép trẻ ăn mà cần tổ chức cho trẻ ăn theo “nhu cầu”, theo “ý thích”, đem lại cho trẻ sự thích thú, sảng khoái khi ăn uống. Ngoài ra, việc đổi mới còn nhằm rèn luyện cho trẻ thói quen sử dụng đa dạng các đồ dùng ăn uống, giao tiếp thân thiện.
Bà LƯƠNG THỊ HỒNG ĐIỆP
Quặn lòng
Hồi cuối tháng 3-2024, clip ghi lại cảnh giáo viên Trường mầm non 4, quận 3 (TP.HCM) tát lên tục vào mặt bé khiến bé ngã dúi dụi trong giờ ăn trưa đã khiến dư luận phẫn nộ.
Chưa hết, trong một clip khác, cũng cô giáo này đút cho học sinh ăn. Cô đút rất nhanh khiến trẻ bị ói. Ngay lập tức, cô đã đè đầu bé vào tô thức ăn rồi đút tiếp, bắt bé ăn tiếp. Thật là một sự tra tấn đến cùng cực.
Viết đến đây, tôi đã lên Google tìm từ khóa “bạo hành trẻ mầm non trong giờ ăn” và nhận được 8.670.000 kết quả. Sự việc đã và đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đó là những vụ việc được camera ghi lại và phát tán ra ngoài.
Còn bao nhiêu vụ bạo hành nữa chưa bị phát hiện và vẫn đang tồn tại trong các trường, nhóm, lớp mầm non. Còn bao nhiêu trẻ vẫn đang phải chịu đựng những bữa ăn chan đầy nước mắt?
Còn nhớ năm 2018 chúng tôi đã từng phản ánh tình trạng này. Lúc ấy, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng đa số những người bạo hành trẻ là những người ít học, thiếu hiểu biết, không có kỹ năng chăm sóc – giáo dục trẻ.
Đó là bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (Đồng Nai) hành hạ các cháu nhỏ trong bữa ăn một cách tàn nhẫn. Bà Hoa đã đút cơm cho các cháu với thước và cái lược nhựa, sẵn sàng ra tay khi trẻ không ăn.
Đó là các bảo mẫu tại nhóm trẻ Phương Anh (TP Thủ Đức, TP.HCM). Mỗi lần cho học sinh ăn hoặc uống sữa, người trông trẻ ở đây đã lấy khăn bịt mũi, bóp cổ, túm đầu các cháu.
Đó là các bảo mẫu ở nhóm trẻ thuộc phường 17, quận Gò Vấp (TP.HCM) tìm mọi cách để tống thức ăn vào miệng trẻ.
Thế nhưng, sau nhiều năm, tình trạng bạo hành trẻ trong bữa ăn có vẻ như không thuyên giảm mà còn khủng khiếp hơn, tăng nặng hơn.
Bởi những người bạo hành trẻ là những người có hiểu biết (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ nhóm lớp mầm non phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Còn giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên).
Trước đây, nhiều người cho rằng việc bạo hành trẻ chỉ xảy ra trong các nhóm, lớp mầm non tư thục. Thì nay giáo viên ở trường mầm non công lập cũng bạo hành trẻ. Mức độ bạo hành khủng khiếp khi mà trẻ vừa ói xong bắt ăn tiếp.
Mà sự việc lại xảy ra tại một trường mầm non nằm ngay trung tâm TP được xem là hiện đại, văn minh nhất nhì cả nước.
Mọi thứ dồn hết lên giáo viên
Nói về một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trẻ trong bữa ăn, cô Thanh, giáo viên có thâm niên dạy lớp mẫu giáo 3 tuổi ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho rằng có trách nhiệm của chính các phụ huynh.
“Tâm lý của các bậc làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình phát triển tốt. Nhưng một số người cho con đi học mầm non chỉ quan tâm duy nhất đến cân nặng của trẻ.
Có phụ huynh mua sẵn cái cân ở nhà và tháng nào cũng cho con cân. Sau đó thì họ vào gặp tôi, than thở: “Sao tháng này bé tăng cân ít quá”, “Sao tháng này bé tăng có 3 lạng”… Tiếp theo là nhờ cô đút cho bé ăn, nhờ cô ép cháu ăn thêm…
Tôi có giải thích rằng tuy bé tăng cân không nhiều nhưng chiều cao phát triển rất tốt. Bé nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động… thì phụ huynh không hài lòng cho rằng cô không quan tâm đến con mình”, cô Thanh nói.
Không những thế, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Tân Phú còn tâm sự: “Nhiều phụ huynh khi gởi con học mầm non thường có tư tưởng là ở nhà không rèn được, cho con đi học để cô rèn. Tức là cái gì khó là nhờ giáo viên mầm non.
Con ở nhà không ăn rau, họ nhờ cô tập cho cháu ăn rau. Con ở nhà thường xuyên ngậm khi ăn, họ nhờ cô rèn để cháu đừng ngậm nữa. Con ở nhà biếng ăn, khi đi học ra điều kiện cháu phải tăng cân đều…
Tất cả những điều này gây áp lực rất lớn đến giáo viên mầm non, khiến các cô có cảm giác nếu học sinh không tăng cân là chưa hoàn thành nhiệm vụ với phụ huynh”.
Đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp – trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hầu hết các hành vi thiếu chuẩn mực với trẻ xảy ra trong giờ ăn xuất phát từ áp lực của người trông trẻ.
Áp lực bé phải ăn hết suất, phải tăng cân đều… đè nặng lên giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trong các trường, nhóm, lớp mầm non. Áp lực này xuất phát từ chính quan niệm của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ: trẻ con phải mũm mĩm, phải tăng cân đều mỗi tháng… thì mới tốt.
“Dĩ nhiên, trẻ em cần được ăn uống đầy đủ để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Nuôi con khỏe mạnh và cho con nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện là mong mỏi không chỉ các bậc cha mẹ, người thân của trẻ.
Thế nhưng cần phải phát triển toàn diện trẻ như thế nào, là đúng, cần có sự phối hợp giữa gia đình và các cơ sở giáo dục mầm non. Giáo viên cần thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ”, bà Điệp nói.
Bà Điệp cũng cho biết trong những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã triển khai và chỉ đạo các đơn vị đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ.
Mục tiêu của việc đổi mới là thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên trong việc tổ chức cho trẻ ăn uống nhằm mang lại bữa ăn thân thiện, lành mạnh, an toàn, hợp vệ sinh, giảm cường độ lao động, đồng thời nâng cao kỹ năng tự phục vụ ở trẻ; giáo dục văn hóa ăn uống đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục mầm non.
Theo đó, việc đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ bao gồm các nội dung sau: thay đổi cách chế biến thức ăn phù hợp yêu cầu dinh dưỡng và nhu cầu ăn uống của cá nhân trẻ; thực đơn phong phú, thay đổi phù hợp theo mùa; tổ chức “bữa ăn gia đình”, ăn theo nhóm, ăn tiệc buffer…
Nhờ đó, trẻ có nhiều kỹ năng và hứng thú trong giờ ăn. Điểm mới là trẻ được tham gia trực tiếp trong quá trình tổ chức bữa ăn tự phục vụ: trẻ tự sắp xếp bàn ăn, trưng bày các món ăn, giới thiệu món ăn…
“Nếu các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức giờ ăn theo hình thức đổi mới đúng tinh thần chỉ đạo của sở thì sẽ giảm áp lực cho giáo viên và sẽ không còn xảy ra hành vi vi phạm đối với trẻ trong giờ ăn. Sau nhiều năm triển khai, hiện trên địa bàn TP.HCM có nhiều trường đã và đang thực hiện rất tốt.
Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tập huấn chuyên sâu về vấn đề này đồng thời sẽ có biện pháp thúc đẩy các đơn vị thực hiện đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ để thực sự trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, bà Điệp khẳng định.
Phụ huynh chỉ quan tâm đến việc… tăng cân
Nhiệm vụ của nhà trường mầm non không chỉ có khâu nuôi mà còn có khâu dạy. Một đứa trẻ phát triển không chỉ có mặt thể chất mà còn là tư duy, là kỹ năng… Việc dạy trẻ cách ứng xử, cách nhận biết thế giới xung quanh cũng quan trọng không kém nhưng phụ huynh chỉ quan tâm đến việc trẻ có tăng cân hằng tháng hay không.
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Tân Phú, TP.HCM
Giờ ăn vui vẻ
Trưa 26-4, chúng tôi có mặt tại giờ ăn trưa của học sinh lớp lá Trường mầm non Sơn Ca 3, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Theo lịch, học sinh lớp lá 1 và lớp lá 3 sẽ ăn trưa theo kiểu tự phục vụ. Mỗi học sinh tự đi lấy khay, di chuyển đến bàn để thức ăn và tự múc cơm, lấy thức ăn, đồ tráng miệng… cho vào khay của mình.
Cô giáo đóng vai trò quan sát, thỉnh thoảng nhắc nhở học sinh: “Sao hôm nay lấy ít thức ăn vậy con, thêm xíu nữa đi”, “Lấy cơm nhiều quá rồi con, giảm bớt lại, lấy thêm canh đi con”…
Trong khi đó, học sinh lớp lá 4 lại ăn trưa theo kiểu “bạn phục vụ”: một nhóm học sinh mặc tạp dề nhìn rất chỉnh tề đứng ở khu thức ăn để múc cơm, canh cho các bạn. Theo giáo viên lớp lá 4, các học sinh sẽ thực hiện xoay vòng mỗi ngày để học sinh đều được “sắm vai” người phục vụ bạn hoặc được bạn phục vụ.
Riêng học sinh lớp lá 2 lại ăn trưa theo kiểu bữa ăn gia đình. Chuyển tiếp từ giờ chơi qua giờ ăn, từng nhóm học sinh nề nếp đi vào toilet rửa tay, lau mặt rồi đi ra khu vực ăn trưa.
Các em tự trải bàn ăn, lấy muỗng đũa và cùng nhau lấy thức ăn mang về bàn của mình. Mỗi bàn ăn có từ 6-8 học sinh. Thức ăn được để chung trong thố, học sinh sẽ ăn cơm bằng chén như bữa ăn gia đình ở nhà.
Không khí bữa ăn khá vui vẻ và chan hòa. Cô giáo đứng quan sát cả lớp, thỉnh thoảng nhắc nhở học sinh chứ không làm thay việc của các em.
Theo cô Phan Thanh Huyền, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 3, nhà trường đã đổi mới cách thức tổ chức bữa ăn cho trẻ mầm non từ nhiều năm nay. Các hình thức sẽ được thực hiện xoay vòng qua các ngày để học sinh đỡ nhàm chán. Các con rất thích thú và ăn uống vui vẻ hơn trước.