Vào năm 1974 ở chiến khu Vàm Cỏ Đông, tôi tình cờ gặp một người bạn lên chiến khu thăm anh ruột – người cùng cơ quan với tôi.
Buổi tối, chuyện trò bên sông Vàm Cỏ, người bạn rất vui và tự nhiên hát cho tôi nghe ca khúc Hoa vẫn nở trên đường quê hương. Bấy giờ, tôi nghe bài hát rất hay nhưng chưa biết tên nhạc sĩ sáng tác.
Sau hòa bình, về Sài Gòn, gặp lại người bạn cũ, tôi có hỏi và bạn nói tôi nghe, nhạc sĩ sáng tác bài Hoa vẫn nở trên đường quê hương là Phạm Thế Mỹ.
Vào năm 1981, ở Quy Nhơn, Hội Văn nghệ Nghĩa Bình (vào năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi), chúng tôi rất vui khi được đón vợ chồng nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ về Quy Nhơn và đến thăm Hội Văn nghệ. Đêm ấy, anh Phạm Thế Mỹ và vợ – ca sĩ Diệu Lý – đã hát cho chúng tôi nghe nhiều ca khúc nhạc sĩ tâm đắc, trong đó có bài Hoa vẫn nở trên đường quê hương:
“Hoa vẫn nở trên đường quê hương
Ôi quê hương ta đó
Dù bóng tre xanh xao u sầu
Dù nước sông quê tôi đỏ ngầu
Từng cánh hoa, từng cánh hoa
Hoa vẫn nở trong tôi tình thương
Hoa vẫn nở trên đường quê hương”…
Bài hát với ca từ và âm nhạc rất giản dị đã thấm vào lòng tôi, một người trước đó đã rất mê nhạc Trịnh Công Sơn.
Cùng đi dòng nhạc tâm tình, nhưng nhạc Phạm Thế Mỹ có những nét khác với nhạc Trịnh Công Sơn, cách thể hiện cũng có phần âm thầm hơn.
Tôi biết một phần âm nhạc Phạm Thế Mỹ từ ngày đó. Sau này, tìm hiểu thêm, tôi biết nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là em ruột nhà thơ Phạm Hổ, một người anh rất thân quen với tôi. Dường như, giữa hai anh em, một người thi sĩ một người nhạc sĩ, nhưng nét tương đồng nổi bật là họ rất khiêm nhường, từ cách ứng xử trong cuộc sống tới cách thể hiện trong tác phẩm, cả thơ văn và âm nhạc.
Quê Bình Định gốc, nhưng nhà thơ Phạm Hổ sống ở Hà Nội, còn nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở Sài Gòn, hai thành phố có nhịp điệu rất khác nhau, nhưng hai anh em họ Phạm nghệ sĩ này lại có “tốc độ sống chậm” rất giống nhau.
Tôi đã nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện tâm tình với nhà thơ Phạm Hổ mỗi bận anh về Quy Nhơn (Bình Định) thăm quê, và tính cách khiêm nhường của anh Phạm Hổ đã khiến tôi hết sức khâm phục và quý mến anh. Dù chỉ được gặp anh Phạm Thế Mỹ một lần, nhưng tôi cảm nhận được sự hiền hậu và khiêm tốn của người nhạc sĩ tài hoa và nhân hậu này.
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Phạm Thế Mỹ là lớn, với vài trăm ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng từ trước năm 1975, và sau năm 1975 vẫn được những người yêu âm nhạc hát thường xuyên, điển hình là ca khúc Bông hồng cài áo đã trở thành ca khúc được nhiều người chọn hát nhất trong những mùa Vu lan báo hiếu, với mong muốn được thể hiện tình cảm ơn nghĩa của những đứa con với cha mẹ.
Từ ca khúc này đã hình thành một mỹ tục mới của người Việt trong mùa Vu lan, ai còn mẹ sẽ gắn lên ngực bông hồng đỏ và ai mất mẹ sẽ gắn bông hồng trắng.
Với một người nhạc sĩ, có tác phẩm được nhân dân mình yêu thương như thế là rất hạnh phúc, dù phần đời sau của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sống khá cơ cực:
“Ôi quê hương ta đó
Dù bé thơ xanh xao gầy còm
Dù tiếng ru ban trưa mỏi mòn
Từng cánh hoa, từng cánh hoa
Hoa vẫn nở trong tôi tình thương
Hoa vẫn nở trên đường quê hương”…
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời cách đây vừa tròn 15 năm. Nhưng âm nhạc của anh còn lại với nhân dân, với đất nước mình. Âm nhạc ấy như Hoa vẫn nở trên đường quê hương.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 – 2009) sinh ra tại Bình Định. Ông đã có hơn 6 thập niên sáng tác và đã để lại cho nghệ thuật nước nhà nhiều sáng tác đình đám, trong đó phải kể đến Thương quá Việt Nam, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Thuyền hoa, Tóc mây, Đường về hai thôn, Chuyến tàu về quê ngoại…