Chiều 26-4, tại TP Vũng Tàu đã diễn ra Tọa đàm Tổng kết và bế mạc trại sáng tác cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 5 (2022 – 2025).
Cuộc thi do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, được phát động vào cuối năm 2022. Trong khuôn khổ cuộc thi, tháng 4-2023, trại sáng tác lần 1 được tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh), đã nhận được 38 tác phẩm. Nhằm giúp các tác giả, đặc biệt là các tác giả khu vực phía Nam có thêm trải nghiệm và chất liệu, phục vụ cho việc sáng tác, BTC tiếp tục tổ chức trại sáng tác lần 2, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 26-4 tại TP Vũng Tàu.
Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc – Phó Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân, cho biết, trại sáng tác lần này quy tụ 32 nhà văn, tác giả trong và ngoài ngành công an, đến từ nhiều địa phương trong cả nước, phần lớn đến từ phía Nam. Trong hai tuần diễn ra trại sáng tác, các trại viên đã được tham gia 2 chuyến giao lưu thực tế đến Trại giam Xuyên Mộc và Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tìm hiểu cuộc sống, công việc của các chiến sĩ công an, giúp nhà văn có thêm chất liệu, cảm hứng để sáng tác. Sau hai tuần miệt mài sáng tác, có 27 tiểu thuyết và 7 tác phẩm ký, truyện ký đã hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện.
Trong số này, một số tác phẩm đã được các tác giả hoàn thành trong thời gian ở trại viết như: Pho tượng cổ (Võ Chí Nhất), Ám tiễn (Phạm Đức Long), Giang hồ gãy cánh (Nguyễn Trí), hai truyện ký Người đi qua cuộc chiến và Người cầm đèn (Trần Ngọc Trác)… Các tác giả còn lại như Nguyễn Minh Ngọc, Lại Văn Long, Lê Vi Thủy, Võ Đăng Khoa, Lê Thị Kim Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Kim Quyên, Trần Thu Hằng… dự kiến sẽ hoàn thành tác phẩm chậm nhất vào cuối năm nay.
Tham gia trại viết lần này với đề cương tiểu thuyết Thương khúc gồm 9 chương, trong thời gian ở trại, nhà văn Nguyễn Hiệp đến từ Bình Thuận, đã gần như hoàn thành cơ bản tiểu thuyết này. Tâm niệm với câu nói của Các Mác: “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”, nhà văn Nguyễn Hiệp luôn áp dụng và nhắc mình hàng ngày khi sáng tác. Chính vì điều đó mà trong những trang viết của ông luôn chú trọng đến những cung bậc cảm xúc thuộc về con người thông qua những chiến công, những cuộc tác chiến…
“Khi nhắc đến hình tượng người chiến sĩ công an, thường chúng ta sẽ nghĩ đến sự kiên cường, dũng cảm, hy sinh… Nhưng tôi muốn có cả mặt trái. Bởi một con người, luôn luôn có thể có những hoảng loạn, thậm chí là vấp ngã. Nhưng sự khác biệt ở hình tượng người chiến sĩ công an là sau khi vấp ngã họ vẫn đứng lên được. Họ đứng lên vì sự nghiệp, vì lý tưởng của người chiến sĩ công an”, nhà văn Nguyễn Hiệp chia sẻ.
Là một trong những tác giả trẻ tuổi nhất, trong thời gian tham gia trại viết, nhà văn trẻ Võ Chí Nhất (hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cán bộ Công an huyện Củ Chi, TPHCM) đã hoàn thành tiểu thuyết Pho tượng cổ, một tác phẩm thuộc thể loại trinh thám hứa hẹn nhiều bất ngờ cho bạn đọc.
Anh chia sẻ: “Nhà văn Nguyễn Tuân nói “Trang giấy là một pháp trường trắng.” Câu nói ấy để chỉ rõ sự viết là không bao giờ dễ dàng. Đứng trước “pháp trường trắng” ấy thật rõ cái áp lực của sự viết, viết về đề tài công an lại càng khó. Phải hiểu rõ thì mới có thể viết được. Vì thế đòi hỏi tôi phải thực sự dấn thân đi sâu vào từng mảnh đời dù là tiếng cười hay nước mắt, ngọc ngà hay tro bụi”.
Theo chia sẻ của Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương, dự trại có 32 nhà văn nhưng lại có đến 34 tác phẩm được hình thành, triển khai, hoàn thiện. “Số lượng này bội thu hơn cả dự kiến. Sau khi kết thúc trại sáng tác, BTC đề nghị các nhà văn tiếp tục giữ cảm hứng đã thắp lên từ Vũng Tàu, sớm hoàn thiện tác phẩm. Hy vọng từ trại viết này, sẽ có nhiều tác phẩm vào vòng chung khảo, giành được giải thưởng, gây tiếng vang trong dư luận, như mong mỏi của ban tổ chức cũng như của bạn đọc”, Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương cho biết.
HỒ SƠN