Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi – cơ hội và triển vọng”. Hội thảo nhận được 21 tham luận của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia cùng nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết.
Không “dễ dãi”
Tại Hội thảo, Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Võ Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã đưa ra một số gợi mở cho phát triển du lịch đối với tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, Quảng Ngãi có Sa Huỳnh – 1 trong 3 nền văn hoá cổ trên lãnh thổ Việt Nam. Nơi đây còn dấu vết của không gian cổ xưa cũng như có tính kết nối rộng với các nền văn hoá trên thế giới.
Nếu khơi dậy thương hiệu Sa Huỳnh để kết nối tất cả các ngành kinh tế của Quảng Ngãi như công nghiệp – nông nghiệp – ngư nghiệp – lâm nghiệp – diêm nghiệp nhằm phát triển du lịch theo hướng văn hoá sinh thái thì chiếc nôi văn hoá Sa Huỳnh sẽ đưa Quảng Ngãi lên một đỉnh cao và tiệm cận một thứ bậc văn minh mới.
Đáng chú ý, PGS,TS Võ Văn Minh cho rằng, du lịch Quảng Ngãi đừng nên “dễ dãi” để trở thành những “tụ điểm” ăn chơi hay những nơi cầu cúng theo kiểu tâm linh mù quáng như một số địa phương khác trong cả nước hiện nay. Thay vào đó, hãy kiến tạo điểm đến, nơi kết nối – giao lưu giữa các nền văn hoá để tương lai Quảng Ngãi tươi đẹp hơn.
Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Quảng Ngãi không thiếu, thậm chí có thể nói không thua kém nhiều nơi có du lịch phát triển ở hiện tại. Tuy nhiên, trên con đường di sản miền Trung, Quảng Ngãi lại chưa có tên trên bản đồ khu vực, mặc dù có di sản.
Phát triển mạng lưới du lịch cộng đồng
Trong khi đó, TS Chu Mạnh Trinh – chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Ngãi đã và đang được hình thành một cách sinh động tại các địa phương, với sự tham gia của người dân, chính quyền, các bên liên quan, cùng với sự hỗ trợ chia sẻ tích cực từ ngoại lực bên ngoài.
Mạng lưới du lịch cộng đồng và cộng đồng đã và đang phát huy tích cực và hiệu quả vai trò kết nối, chia sẻ, hội tụ nhiều tinh hoa, kinh nghiệm, sáng tạo từ người dân, cộng đồng cho xây dựng và phát triển năng lực địa phương, sinh kế cộng đồng và kinh tế xã hội. Từ Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh, Cẩm Kim lên Hòa Bắc và lan rộng vào Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sa Huỳnh, và ngược lại.
“Nếu ở Sa Huỳnh, HTX Muối biển truyền thống và Du lịch đồng biết lồng ghép các nguồn lực trên thành thế mạnh để tập hợp lực lượng cho phát triển thì Bình Thành chỉ mới phát huy nguồn lực một cách đơn lẻ, chủ yếu dựa vào con người, kinh nghiệm và kỹ năng nghề truyền thống, hoặc vườn cây ăn quả. Hoặc Bình Sơn và Tịnh Khê chỉ mới dựa vào nguồn lực thiên nhiên” – TS Trinh chỉ rõ.
Xây dựng loại hình du lịch đặc trưng
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng nhìn nhận, thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa triển khai các dự án du lịch động lực góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và thu hút các dự án khác.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất yếu kém tại một số điểm đến đã làm giảm trải nghiệm du lịch của khách hàng. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu điểm đến, trải nghiệm mới lạ, không thu hút đa dạng đối tượng du khách.
“Sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm thế mạnh vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát huy hết nguồn lực vốn có. Đây là nguyên nhân chủ quan, chính yếu dẫn đến du lịch của tỉnh chậm phát triển”- ông Dũng cho hay.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu Sở VH,TT&DL cần phối hợp với các Sở, ngành địa phương, đơn vị liên quan tiếp thu tối đa các tham luận, ý kiến, đề xuất để chủ động triển khai các giải pháp có tính tổng quát, chiến lược.
Chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Quảng Ngãi có thế mạnh như: du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử.
“Các địa phương cần triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với thực tế. Trong đó, nghiên cứu ưu tiên nguồn lực, tăng cường hỗ trợ các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Phấn đấu mỗi địa phương hình thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP” – ông Tuấn nói.