Ngày 26.4, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Làng trẻ em SOS Đà Nẵng thành lập năm 1992, nuôi dạy trẻ từ năm 1993, chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh, thành khác từ năm 1994.
Nơi đây trở thành mái ấm cho trẻ mồ côi không nơi nương tựa, được nhiều lãnh đạo các cấp quan tâm, nhiều tổ chức trong và ngoài nước tài trợ. Nhờ vậy, các thế hệ trẻ em ở đây đã vượt qua khó khăn, trưởng thành.
30 năm qua, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng đã chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục 526 trẻ em, trong đó 236 trường hợp đã trưởng thành, lập gia đình và có công việc ổn định.
Hiện Làng trẻ em SOS Đà Nẵng nuôi dạy 186 em, có 71 em đang học đại học (ĐH), cao đẳng, học nghề… Hằng năm, tỷ lệ học sinh giỏi đạt 30-40%, tốt nghiệp THPT 90%.
Bên cạnh nuôi dưỡng các em tại đơn vị, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng còn có chương trình Tăng cường gia đình (FSP), hỗ trợ tài chính cho trẻ mồ côi thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại 17 quận, huyện ở TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Chương trình FSP đã hỗ trợ 1.303 em, trong đó 80% đã học xong và có việc làm ổn định.
Chương trình học bổng SOS của làng đã hỗ trợ 57 trẻ hiếu học, vượt khó. Trong đó, 44 em tốt nghiệp ĐH, có việc làm tốt; một số trường hợp có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước như: tiến sĩ Nguyễn Đình Vũ (ngành toán và khoa học máy tính ĐH Sorbonne Paris Nord, ĐH Paris 13, Pháp), thạc sĩ giáo dục Đỗ Thị Sương công tác tại TP.HCM, chủ doanh nghiệp 2D Furniture Phạm Đức Duy…
Làng trẻ em SOS còn dạy nghề miễn phí cho 114 thanh thiếu niên thuộc diện hộ nghèo giai đoạn 2011-2018. Từ năm học 1995-1996, mỗi năm Trường mẫu giáo SOS đón nhận 150-200 trẻ em của làng và con em người dân P.Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn).
Làng trẻ em SOS Đà Nẵng thuộc Làng trẻ em SOS quốc tế (hoạt động tại 138 quốc gia và vùng lãnh thổ với vai trò tổ chức nhân đạo quốc tế).
Ở tầm quốc gia, Làng trẻ em SOS Việt Nam (thành lập năm 1987) hiện có mặt ở 17 tỉnh, thành, tham gia nuôi dạy trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và hoàn cảnh khó khăn.