Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).
Tổng kết bảo đảm công binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, lực lượng công binh đã mở được những con đường cho xe cơ giới và xe kéo pháo hạng nặng cơ động tham gia chiến dịch, đánh dấu bước trưởng thành về nghệ thuật chiến dịch.
1. Bảo đảm đường cơ động, vận chuyển chiến dịch, kịp thời phục vụ cho công tác chuẩn bị chiến dịch: Điện Biên Phủ là một thung lũng lớn, nằm sâu trong vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt-Lào, địa hình hiểm trở, thưa dân, xa căn cứ hậu phương của ta.
Trong báo cáo với Bộ Chính trị, ngày 6/12/1953, Tổng Quân ủy nhận định: Để thực hiện chiến dịch này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề đường sá. Do vậy, ngay từ tháng 10/1953, Bộ Tổng Tư lệnh đã điều Trung đoàn Công binh 151 lên Tây Bắc. Công việc ban đầu là sửa đường cho xe ô-tô vận tải hậu cần và xe kéo pháo vào tập kết chiến dịch, sau đó chống lầy, lún, sụt lở do mưa lũ và bom, mìn địch gây ra…
Ngày 7/11/1953, Trung đoàn 151 cùng các đơn vị thanh niên xung phong và công nhân giao thông bắt đầu sửa chữa, mở rộng Đường số 13. Từ ngày 20/11/1953, Trung đoàn Công binh 151 sửa tiếp đoạn đường Cò Nòi-Sơn La-Tuần Giáo dài 120 km. Ðầu tháng 12/1953, Trung đoàn Công binh 151 sửa chữa đoạn đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ; cuối tháng 12/1953, toàn tuyến Tuần Giáo-Điện Biên Phủ dài 86 km hoàn thành.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã giao cho Ðại đội 124, Trung đội 51, Trung đoàn 151, dùng thuốc nổ phá thác ghềnh để mở luồng. Cuối tháng 12/1953, Trung đoàn 151 chuyển sang bảo đảm đường cho xe kéo pháo; tìm đường đưa pháo vào hướng tây bắc Điện Biên Phủ, rồi làm tời dùng tay để kéo pháo vào trận địa.
2. Xây dựng hệ thống công sự trận địa vây lấn, tiến công bí mật, bất ngờ, ngày càng tiến sát các cứ điểm địch, chia cắt, cô lập, giữ vững khu vực, trận địa đã chiếm được; phát triển tiến công vào trung tâm đề kháng địch: Theo lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, công binh cùng pháo binh xây dựng công sự cho pháo.
Thực hiện cách đánh của chiến dịch là vây hãm, tiến công, đột phá lần lượt, ta đã kéo pháo lên các sườn núi, xây dựng các trận địa pháo vững chắc và bí mật, bất ngờ. Sau một tháng lao động căng thẳng, công binh và pháo binh làm được 11 trận địa pháo lựu, 21 trận địa pháo cao xạ đúng theo yêu cầu.
Xây dựng trận địa vây lấn cũng là nhiệm vụ bảo đảm công binh cơ động lực lượng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc xây dựng trận địa để siết chặt vòng vây, chia cắt địch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Từ giai đoạn đầu chiến dịch, ta đã sớm hình thành thế trận bao vây, tiến công địch. Tham gia đào hào vây lấn địch có Đại đội Công binh 53, Đại đội Công binh 54 (Trung đoàn 151), Đại đội Công binh 240 (Đại đoàn 312) và Đại đội công binh 309 (Đại đoàn 308), cùng tham gia đào hào xuyên qua sân bay Mường Thanh và xây dựng trận địa ngay sát đầu cầu Mường Thanh; vừa đào hào, các chiến sĩ công binh vừa chiến đấu với xe tăng, máy húc của địch ra ngăn chặn ta.
Tháng 4/1954, chiến hào của ta cắt Phân khu Nam với Phân khu trung tâm, cắt đôi sân bay Mường Thanh. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cắt thành từng khúc…
3. Mở cửa qua vật cản của địch là cuộc chiến đấu quyết liệt và quyết định thành công của việc mở đầu đột phá cứ điểm địch; đào đường hầm đưa lượng nổ lớn vào phá hủy hầm ngầm của địch là một biện pháp có hiệu quả khi ta chưa có vũ khí phá công sự kiên cố của địch: Ở thời điểm đó, khó khăn lớn nhất là phải làm sao xác định vị trí, hướng cửa mở chính xác và cụ thể, sau đó mới tổ chức chỉ huy phối hợp chặt chẽ phân đội bộc phá mở cửa và bộ phận hỏa lực kiềm chế có hiệu quả các hỏa khí của địch bảo vệ vật cản.
Trên đồi A1, cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch kéo dài gần một tháng. Để tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Mặt trận thông qua phương án đào hầm ngầm, đưa lượng nổ lớn vào phá công sự kiên cố của địch trên đồi A1. Đại đội công binh thuộc Đại đoàn 316 triển khai đào được một đoạn đường, sau đó được chuyển giao cho Trung đoàn Công binh 151.
Đêm 20/4/1954, việc đào đường hầm bắt đầu. Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, đường hầm dài 49m đã hoàn thành. Phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào đường hầm và đưa thuốc nổ vào lòng đồi A1..
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công hiệp đồng bộ binh, pháo binh, có quy mô lớn nhất, giành kết quả cao nhất, là đỉnh cao về nghệ thuật chiến dịch của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Qua nghiên cứu Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta có thể rút ra những vấn đề về nghệ thuật bảo đảm công trình đáng chú ý như sau:
Một là, nắm chắc ý định tác chiến và các mặt liên quan để chủ động chuẩn bị chu đáo công tác bảo đảm công binh
Ngay từ đầu năm 1953, nắm được ý định tác chiến lớn trên chiến trường Tây Bắc, Bộ đã chỉ thị cho sửa chữa đường sá, cầu cống. Tháng 10/1953, Trung đoàn Công binh 151 kết hợp lực lượng thanh niên xung phong, dân công, công nhân giao thông triển khai sửa chữa Đường 13 và 41 để bảo đảm cho ô-tô vận chuyển. Khối lượng công việc lớn, gần 250 km nhưng với tinh thần quyết tâm, chủ động, linh hoạt, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công,… sau hai tháng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi chiến dịch thay đổi kế hoạch tác chiến từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nắm được ý định, các thủ đoạn địch hoạt động, địa hình, công binh đã tổ chức trinh sát và cùng các lực lượng Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 làm 6 tuyến đường mới (63 km), đưa 6 đại đội pháo vào chiếm lĩnh trận địa theo phương án mới kịp thời, đúng ý định, bí mật và an toàn.
Hai là, triệt để tận dụng mạng đường, công trình có sẵn; kết hợp các biện pháp cải tạo, sửa chữa với làm mới để tổ chức bảo đảm công binh Tác chiến hiệp đồng quân binh chủng có phạm vi rộng, nhiều loại binh khí kỹ thuật, phương tiện cơ giới vận chuyển yêu cầu cơ động cao, qua nhiều vùng địa hình phức tạp; địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt; lực lượng, phương tiện bảo đảm đường còn hạn chế, yêu cầu tác chiến khẩn trương…
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã sử dụng các trục Đường 41, Đường 13 từ Yên Bái nối với Đường 41. Mặc dù các trục đường trên đều nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc hiểm trở, bị hư hỏng nặng; chiến dịch đã triển khai Trung đoàn Công binh 151 và lực lượng thanh niên xung phong, dân công; tổ chức sửa chữa, khôi phục, mở rộng; bảo đảm cho pháo xe kéo cơ động và ô-tô vận chuyển vật chất kịp thời.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia tác chiến để tổ chức bảo đảm công binh
Để đáp ứng yêu cầu tác chiến, việc sử dụng rộng rãi, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng tham gia bảo đảm đường cơ động trong suốt quá trình tác chiến đã tạo thuận lợi cho các lực lượng tiến hành chiến dịch kịp thời, bí mật.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công binh bảo đảm đường cơ động có Trung đoàn Công binh 151; trong khi, nhu cầu bảo đảm đường cho xe kéo pháo vào trận địa, ô-tô vận tải vật chất hậu cần phục vụ cho mấy chục vạn người suốt 5 tháng ở khu vực rừng núi thưa thớt, thời tiết vào mùa mưa và địch thường xuyên đánh phá. Do đó, ngoài Trung đoàn Công binh 151, ta đã huy động tới 5.000 thanh niên xung phong, dân công và lực lượng giao thông, nhân dân tham gia bảo đảm suốt gần 250 km đường.
Bốn là, sử dụng linh hoạt các phương pháp, biện pháp bảo đảm công binh để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tác chiến
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ở giai đoạn tổ chức chuẩn bị, đã hình thành các phương pháp chuẩn bị đường; giai đoạn thực hành tác chiến, chiến đấu, hình thành các hình thức bảo đảm.
Trong công tác chuẩn bị, Trung đoàn Công binh duy nhất của Chiến dịch được tập trung vào nhiệm vụ đường sá và được tăng cường một lực lượng lớn thanh niên xung phong và dân công. Những biện pháp bảo đảm công binh quan trọng như: Làm đường để kéo pháo vào trận địa, làm công sự để triển khai pháo, xây dựng hệ thống trận địa vây lấn, làm hầm ngầm đưa lượng nổ lớn vào đánh cứ điểm đồi A1, đều được Bộ Chỉ huy và Cơ quan Tham mưu Chiến dịch quyết định một cách chính xác, linh hoạt và kịp thời.
Những kinh nghiệm bảo đảm công trình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng cho thấy, Bộ đội Công binh với tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường đã đưa nghệ thuật bảo đảm công trình phát triển tới trình độ cao, tô thắm thêm truyền thống “Mở đường thắng lợi”, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.