Chị Liên cho biết, chị tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021 thì sinh con và nghỉ việc để chăm con. Do thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát mạnh, kế toán tại cơ quan cũng chuyển công tác nên chị chưa làm được hồ sơ thai sản.
“Đến giờ, khi đi làm trở lại, tham gia BHXH tại cơ quan khác tôi mới nhớ đến hồ sơ thai sản trước đây. Không biết bây giờ tôi còn làm được hồ sơ và nhận tiền trợ cấp thai sản trước đây không?”, chị Liên hỏi.
Theo BHXH Việt Nam, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định về việc giải quyết chế độ thai sản như sau: “Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định nộp cho cơ quan BHXH”.
Như vậy, căn cứ vào thời hạn trên thì hồ sơ của chị Liên đã chậm so với quy định.
Tuy nhiên, Điều 116 Luật BHXH năm 2014 còn có quy định về việc giải quyết hưởng chế độ BHXH chậm so với thời hạn quy định. Theo đó, trường hợp vượt quá thời hạn được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 102 nêu trên thì phải giải trình bằng văn bản.
Ngoài ra, tại Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 166/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam về quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN cũng có quy định liên quan đến trường hợp này.
Theo đó, đối với chế độ thai sản của người sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH do đã thôi việc, phục viên, xuất ngũ trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi thì cơ quan BHXH phải có trách nhiệm tiếp nhận.
Căn cứ các quy định nêu trên, BHXH Việt Nam hướng dẫn chị Liên: “Trường hợp của bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động sau khi sinh con, nay đang tham gia BHXH tại đơn vị mới nhưng chưa được giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với lần sinh con trước đó. Bạn có thể nộp hồ sơ đến cơ quan BHXH nơi bạn sinh sống kèm theo văn bản giải trình để được xem xét giải quyết hưởng chế độ thai sản theo quy định”.