Đang là sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp tại ĐH Cambridge danh giá, Nguyên Anh đã nhận học bổng tiến sĩ toàn phần tại Viện Công nghệ California (Caltech).
Ở tuổi 21, Phùng Phước Nguyên Anh vừa nhận học bổng tiến sĩ toàn phần gần 3 tỉ đồng/năm tại Viện Công nghệ California (Caltech) – một trong những cơ sở giáo dục đại học về STEM hàng đầu thế giới, xếp thứ 6 trong danh sách những trường đại học tốt nhất toàn cầu (QS 2023).
Hiện Nguyên Anh đang là sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp tại ĐH Camb ridge danh giá (top 2 thế giới theo QS). Còn hồi cấp III, bạn là thủ khoa đầu vào lớp chuyên sinh Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Từ niềm yêu thích khủng long
* Nguyên Anh có thể chia sẻ thêm hướng nghiên cứu sắp tới của mình tại Caltech?
– Lĩnh vực mình sẽ nghiên cứu là kỹ thuật sinh học (bioengineering). Trong năm đầu tiên, mình được phép di chuyển giữa một số lab, mỗi lab khoảng 3-4 tháng, để xem phù hợp với hướng nghiên cứu nào trước khi bắt tay vào nghiên cứu trong khoảng 4-5 năm.
Định hướng chung của mình là dùng các kỹ thuật sinh học tân tiến hiện nay để thay đổi cấu trúc ADN, protein. Những công nghệ này gần đây rất phát triển, phục vụ cho y học và sản xuất. Hè năm 2023 khi có dịp thực tập tại Caltech, mình đã tham gia nghiên cứu liên quan đến các kỹ thuật trên protein cải tiến công nghệ siêu âm dùng trong y khoa.
* Vì sao Nguyên Anh lại cuốn hút vào các kỹ thuật sinh học liên quan đến ADN, protein vô cùng mới mẻ này?
– Từ hồi còn nhỏ, mình đã đam mê những thứ liên quan đến thế giới tự nhiên. Mình thích khủng long và ấn tượng khi xem phim Công viên khủng long. Trong phim, nhiều nhà khoa học đã dùng kỹ thuật ADN tái tạo những con khủng long tuyệt chủng. Những phân cảnh viễn tưởng lại có sức ám ảnh rất lớn với mình.
Khi đi học, được tiếp xúc với môn sinh học, mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về cấu trúc phân tử. Mình được biết về các nghiên cứu tận dụng ADN, protein – những nguyên liệu của sự sống – để thách thức chính biên giới sự sống.
Tuy nhiên, khác với các lĩnh vực kỹ thuật khác, nghiên cứu trên hệ thống sinh học không thể dự đoán rõ ràng và còn nhiều điều bí ẩn mà ngay cả những nhà khoa học hàng đầu cũng chưa hiểu biết hết.
Tỉ lệ của những nghiên cứu thất bại cũng vượt trội so với thành công. Đôi khi có những khâu lắp ráp ADN hay protein, mặc dù thất bại nhiều lần nhưng một số nhóm nghiên cứu vẫn không thể lý giải họ đã sai ở đâu.
Cú rẽ bất ngờ tại Cambridge
* Nhắc đến ĐH Cambridge, có lẽ ai cũng từng nghe qua. Nhiều bạn đọc đang khá tò mò môi trường học tập tại một đại học nổi tiếng nhất nhì thế giới như Cambridge như thế nào?
– Chắc hẳn mọi người cũng hình dung được là không hề dễ dàng. Mỗi năm trường có ba học kỳ thu – đông – hè, mỗi học kỳ học rất nặng.
Áp lực đến với mình ngay từ năm học đầu tiên khi phải hoàn tất học kỳ 1 và 2 trong chỉ có 8 tuần/học kỳ, và học kỳ 3 vỏn vẹn có 4 tuần. Khối lượng kiến thức là khổng lồ. Tuy nhiên, các giáo sư thường được phân chia để hỗ trợ những nhóm nhỏ sinh viên, vì vậy cũng thuận tiện trao đổi học thuật.
Ngành học của mình tại Cambridge là khoa học tự nhiên, ban đầu được học rộng, càng về sau mới đi sâu vào một chuyên ngành. Ban đầu mình chọn chuyên ngành sinh học, nhưng cuối năm nhất lại bắt đầu chuyển hướng.
Mình nghĩ nếu muốn trở thành một nhà sinh học giỏi sẽ cần thử thách bản thân với một góc nhìn định tính hơn. Vậy là mình chuyển sang chuyên ngành về toán và hóa.
Đến nay, đó vẫn là một trong những cột mốc của mình. Hướng đi về toán và hóa cho mình khả năng tính toán và sự tự tin khi đối mặt với những con số và những bài toán hóc búa trong sinh học.
Thử thách với mình là học cùng với những bạn đã có nền tảng rất giỏi toán và hóa. Nhưng mặt khác, mình có động lực trước những sự “cạnh tranh lành mạnh” ấy.
* Thế nào là “cạnh tranh lành mạnh”?
– Thật may mắn cho mình khi từ cấp I đến nay lúc nào mình cũng có những người bạn có thể cùng mình “cạnh tranh lành mạnh”.
Họ là những người bạn mình vô cùng thân thiết, cùng nhau học, chia sẻ kiến thức, trao đổi với nhau về những phương pháp làm hay, nhưng trong những đợt thi cử, kiểm tra lại trở thành những đối thủ để mỗi người có thể phấn đấu.
Và một may mắn nữa là những đối thủ này đều có phần nhỉnh hơn mình, từ những kỳ thi học sinh giỏi các cấp, học sinh giỏi quốc gia đến khi học tại Cambridge.
Ở Cambridge, nhóm bạn thân và “cạnh tranh lành mạnh” với mình là một sinh viên người Trung Quốc và một người Anh. Các bạn đều rất giỏi và bản thân mình cũng ngưỡng mộ. Vì vậy, mình lúc nào cũng có được động lực phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp những người bạn xung quanh.
* Được biết, Nguyên Anh còn tham gia quản lý nhiều câu lạc bộ tại ĐH Cambridge. Nguyên Anh đã cân bằng thời gian của mình ra sao?
– Mình là đồng chủ nhiệm một câu lạc bộ về khoa học tự nhiên, phó chủ nhiệm một câu lạc bộ về kỹ thuật sinh học, và phụ trách bộ phận gây quỹ của một câu lạc bộ về hóa học. Các câu lạc bộ này thường tổ chức những hoạt động chia sẻ kiến thức, thường mời diễn giả từ các trường đại học và doanh nghiệp lớn trên thế giới đến nói chuyện với sinh viên.
Hoạt động câu lạc bộ là một thử thách cho những gì bản thân còn đang thiếu sót. Hồi cấp III mình chỉ biết học nên phù hợp với trường nặng về học thuật như Cambridge hơn các trường mong muốn ứng viên toàn diện hơn như ở Mỹ.
Khi đã vào Cambridge, mình muốn tận dụng thời gian ở đây cho những thử thách phát triển bản thân ngoài chuyện học thuật.
Do đó, quản lý thời gian luôn là áp lực không chỉ của mình mà có lẽ của hầu hết sinh viên khác. Quan trọng nhất, bạn cần biết những công việc nào mình sẽ ưu tiên trong một thời điểm. Kỹ năng này mình nghĩ nên được rèn luyện từ sớm, có thể ngay từ khi còn học phổ thông.
“Vua” giải thưởng
Trong giai đoạn 2021-2024 tại ĐH Cambridge, Nguyên Anh từng hai lần đạt Scholar Prize cho kết quả thi cuối năm xuất sắc (2022 và 2023). Năm 2022, Nguyên Anh giành huy chương vàng khi tham gia kỳ thi nghiên cứu quốc tế International Genetically Engineered Machine (iGEM) 2022 về sinh học tổng hợp.
Năm 2023, Nguyên Anh giành giải thưởng Ray Driver Prize của ĐH Cambridge – dành cho sinh viên năm 2 có thành tích hóa lý và hóa lý thuyết xuất sắc nhất. Cũng trong năm này, Nguyên Anh nhận giải Haller Prize của trường – trao cho 2 sinh viên có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc nhất để tham gia trao đổi mùa hè 2023 với Caltech.
“Một trong những sinh viên giỏi nhất”
Nhận xét về Nguyên Anh, GS James Keeler – trưởng khoa hóa học, ĐH Cambridge – cho hay Nguyên Anh luôn duy trì được các tiêu chuẩn cao trong quá trình học tập. Còn TS Sergei Taraskin, giảng viên toán học tại ĐH Cambridge, nhận xét Nguyên Anh là một trong những sinh viên giỏi nhất mà ông giảng dạy trong năm học. “Nguyên Anh có động lực học tập tốt với thái độ rõ ràng và hiểu biết sâu sắc về những gì học được. Em rất đúng giờ và kỷ luật. Em là người học rất nhanh, sâu và có thể dễ dàng tiếp thu các khái niệm mới” – TS Sergei Taraskin nói.
Ngồi quán cà phê bàn chuyện… khoa học
* Nguyên Anh có thể chia sẻ thêm những định hướng của mình trong thời gian sắp tới?
– Trước mắt là nghiên cứu tại Caltech. Với mình, đây là môi trường nghiên cứu lý tưởng, một nơi rất nổi tiếng về khoa học kỹ thuật mới. Quy mô ở đây nhỏ hơn rất nhiều so với MIT hay Harvard, cả viện chỉ khoảng 2.000 sinh viên, nhưng đều tập trung vào khoa học kỹ thuật.
Ngồi các quán cà phê trong trường, bạn sẽ nghe người ta bàn nhau về chuyện nghiên cứu.
Định hướng lâu dài của mình là nghiên cứu những kỹ thuật sinh học ứng dụng vào đời sống.
Mình nghĩ nhiệm vụ của một nhà khoa học tự nhiên nói chung là hiểu thế giới, chẳng hạn thế giới hóa học và vật lý, hoạt động như thế nào. Nhưng một nhà kỹ thuật sinh học sẽ có thêm một thôi thúc nữa, không chỉ dừng lại ở chuyện “hiểu”, mà là có thể “làm chủ” và “áp dụng” vào thực tế.
Sau khi tốt nghiệp, mình sẽ làm nghiên cứu sau tiến sĩ và xa hơn có thể mở một phòng nghiên cứu riêng để đưa những kỹ thuật sinh học mới nhất vào cuộc sống.
Tuoitre.vn