TikTok đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới tại Mỹ khi Washington thông qua lệnh cấm mạng xã hội này khỏi thị trường nếu công ty mẹ ByteDance không thể bán lại nền tảng cho doanh nghiệp khác.
Theo CNN, động thái này không chỉ là một đòn giáng đau đớn vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc, mà còn làm hằn sâu thêm sự chia rẽ trong thế giới số giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu hiện nay.
Thượng viện Mỹ vừa qua thông qua luật buộc ByteDance phải bán TikTok hoặc đối mặt lệnh cấm tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố khi dự luật được lưỡng viện thông qua và xuất hiện trên bàn làm việc của mình tại Nhà Trắng, ông sẽ ký. Đúng như lời tuyên bố, người đứng đầu nước Mỹ mới đây đặt bút ký gói viện trợ nước ngoài, cùng luật cấm TikTok.
Đáp lại kết quả này, TikTok tuyên bố sẽ mang vụ việc ra trước tòa. Bắc Kinh trước đó từng nhấn mạnh việc kịch liệt phản đối yêu cầu ép buộc bán TikTok. Nhưng hiện tại chỉ còn lại rất ít lựa chọn để đảm bảo an toàn cho tương lai của nền tảng này tại Mỹ – thị trường lớn nhất với 170 triệu người dùng.
“Yêu cầu bán TikTok tại Mỹ sẽ là một bước thụt lùi đối với ứng dụng vì chính phủ Trung Quốc chắc chắn không đồng ý việc bán thuật toán của họ. Nếu TikTok bị buộc đóng cửa tại Mỹ, có thể ByteDance sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn nữa ở các nước khác”, Alex Capri – nhà nghiên cứu tại Quỹ Hindrich đồng thời là giảng viên Trường đại học Kinh doanh (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) nói.
Quốc hội Mỹ quyết ép TikTok cắt liên kết Trung Quốc
Việc cấm TikTok tại Mỹ, hoặc để tồn tại một phiên bản chất lượng thấp hơn (do Bắc Kinh ngăn chặn chuyện bán thuật toán quan trọng), có thể là cơ hội với hàng loạt đối thủ khác như YouTube, Google, Instagram… khi rất nhiều người dùng, khách hàng sẽ “nhảy” khỏi nền tảng này để tìm kiếm bến đỗ mới. Điều này cũng đồng thời giáng đòn mạnh vào tham vọng toàn cầu của ByteDance.
“Lệnh cấm có thể là cái kết cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của ByteDance khi được xem là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh coi trọng việc bảo mật các thuật toán hơn sự thịnh vượng cũng như sự vươn mình của ByteDance”, chuyên gia phân tích kiêm nhà sáng lập công ty nghiên cứu Radio Free Mobile – Richard Windsor nhận định. Ông cho rằng điều này dẫn tới hệ lụy là cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra trong ngành công nghệ sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Còn theo Capri, lệnh cấm TikTok cũng có khả năng đẩy nhanh sự thay đổi vốn đang chia cắt bối cảnh công nghệ thế giới thành hai khối: một khối tập trung vào Mỹ và khối còn lại tập trung vào công nghệ từ Trung Quốc.
“Động thái chống lại TikTok ở Mỹ là một bước tiến khác hướng tới không chỉ nền kinh tế nền tảng phân chia giữa ứng dụng Trung Quốc với phương Tây, mà rộng hơn là sự phân chia toàn bộ bối cảnh công nghệ thế giới. Điều này bao gồm mọi thứ, từ người sở hữu và vận hành trung tâm dữ liệu, đến vệ tinh internet trên không gian, cáp dưới biển và tất nhiên là cả chất bán dẫn”, ông nói.
Các quan chức và nhà làm luật Mỹ từ lâu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về TikTok với lý do mối nguy tiềm ẩn cho an ninh quốc gia, trong đó bao gồm khả năng chia sẻ dữ liệu của ByteDance có được với chính quyền Trung Quốc, hoặc thao túng nội dung hiển thị trên nền tảng. Tất nhiên, phía TikTok nhanh chóng phủ nhận những cáo buộc trên.
Không chỉ TikTok mà nhìn chung, các công ty Trung Quốc và việc vận hành ứng dụng của họ tại Mỹ đều đang đối diện với thách thức ngày càng gia tăng. Nội các của ông Biden đang củng cố một văn phòng mới tại Bộ Thương mại để thực thi các quy tắc từ thời ông Donald Trump về bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ thông tin của Mỹ, bao gồm các ứng dụng được kết nối và có thể được sử dụng để thúc đẩy các hạn chế hơn nữa.