Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Triệu Minh Long- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Hội nghị nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân về hội nhập, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam.
Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đã nghe đại diện Bộ Ngoại giao trình bày về tình hình khu vực, thế giới và tác động đến Việt Nam, đường lối, chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác bên ngoài, trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam giới thiệu chương trình công tác của Ủy ban và các tiểu ban cùng các trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông…
Thông tin thêm tại Hội nghị, ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) nêu rõ, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 năm 2023. Đại hội XIII nêu “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa”. Đặc biệt, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.
Ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) chia sẻ về bối cảnh thế giới hiện nay. Ảnh: Thanh Tuấn |
Theo ông Vũ Duy Thành, hiện nay thế giới đang phát triển theo hướng đa cực, đa trung tâm hóa với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết và đi liền là các nhân tố bất ổn tương đối nhiều.
“Các điểm nóng như chiến sự Nga-Ukraine, Israel-Hamas, Biển Đỏ… nổi lên ngày càng nhiều. Cục diện của thế giới hiện nay có tác động lớn đến an ninh và phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước vừa và nhỏ, các nước có vị trí địa lý chiến lược nhạy cảm và là nơi thường xuyên xảy ra cạnh tranh chiến lược như khu vực Đông Nam Á”, ông Vũ Duy Thành nhận định.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO (thường trực Uỷ ban Quốc gia về UNESCO Việt Nam), đều thống nhất rằng việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN không hề dễ dàng. Các thách thức như cạnh tranh nước lớn, sự ra đời của các cơ chế đa phương mới, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như khó khăn nội tại đòi hỏi ASEAN phải củng cố đoàn kết, thống nhất và có những chiến lược linh hoạt và hiệu quả hơn nữa.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn |
Hội nghị được chia làm 2 phiên. Phiên 1, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tình hình thế giới và khu vực, những tác động và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Phiên 2, đề cập đến những lưu ý về xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác ngoại khối. Trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ nội dung về Tầm nhìn 2035 về thông tin truyền thông ASEAN với chủ đề: “Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng cung cấp các thông tin về hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2024; các hoạt động trọng tâm của UNESCO trong lĩnh vực thông tin giai đoạn 2024-2025; Trọng tâm công tác đối ngoại của Uỷ ban Quốc gia về UNESCO Việt Nam trong năm 2024 và các hoạt động ưu tiên của các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn của Ủy ban Quốc gia; Bảo tồn Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.