Học phí thu theo nhóm ngành, chương trình chuẩn tăng
Năm học 2024 – 2025, nhà trường tiếp tục thu học phí theo nhóm ngành với mức học phí dao động từ 14 triệu đến 29 triệu đồng/năm học đối với chương trình đào tạo chuẩn, 60 triệu đồng đối với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và tăng cường tiếng Anh (chất lượng cao).
Mức học phí các ngành thuộc chương trình đào tạo chuẩn gồm hai nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn và nhóm ngành ngôn ngữ, du lịch.
Nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn có ba mức học phí khác nhau:
Các ngành có mức học phí 14,3 triệu đồng/năm học: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý học, thông tin – thư viện, lưu trữ học.
Các ngành học phí 21,78 triệu đồng/năm học: giáo dục học, ngôn ngữ học, văn học, văn hóa học, xã hội học, nhân học, Đông phương học, quản trị văn phòng, công tác xã hội, quản lý giáo dục, tâm lý học giáo dục, đô thị học, quản lý thông tin, Việt Nam học (đối tượng người Việt Nam).
Các ngành học phí 24,2 triệu đồng/năm học: quan hệ quốc tế, tâm lý học, báo chí, truyền thông đa phương tiện.
Mức học phí nhóm ngành ngôn ngữ, du lịch: các ngành ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Italia, ngôn ngữ Tây Ban Nha (17,16 triệu đồng/năm học); ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Đức (26,07 triệu đồng/năm học); ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ trung Quốc, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (29,04 triệu đồng/năm học).
Riêng ngành Việt Nam học (dành cho đối tượng người nước ngoài) có mức học phí 66 triệu đồng/năm học.
Các ngành thuộc chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và tăng cường tiếng Anh do thí sinh tùy chọn đăng ký sẽ có mức học phí 60 triệu đồng/năm học gồm các ngành: quan hệ quốc tế, báo chí, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, ngôn ngữ Đức, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Như vậy, so với mức thu năm ngoái, học phí các ngành thuộc chương trình chuẩn của trường đều tăng. Trong khi học phí chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và tăng cường tiếng Anh không đổi.
Miễn học phí nhiều ngành học, dành 25 tỉ học bổng
Nhà trường cũng công bố miễn học phí đối với các chuyên ngành: lịch sử Đảng, triết học Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc đối với các môn học được xét miễn và môn học được công nhận chuyển đổi tín chỉ.
Sinh viên chính quy chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và tăng cường tiếng Anh đối với các môn học được xét miễn và môn học được công nhận chuyển đổi tín chỉ.
ThS Nguyễn Thảo Chi – trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp nhà trường – cho biết: “Năm học 2024 – 2025, nhà trường dự kiến dành khoảng 25 tỉ đồng cho các chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính với mục tiêu lớn nhất là giúp sinh viên an tâm học tập, không để sinh viên vì khó khăn do học phí mà không thể tới trường.
Ngoài chính sách về hỗ trợ học phí theo quy định, trường còn nhiều chương trình học bổng như: học bổng khuyến khích học tập, học bổng doanh nghiệp…, trong đó có 8% từ học phí để trao học bổng khuyến khích học tập cho các sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt”.
Tuyển 3.799 chỉ tiêu, mở thêm 3 ngành mới
Theo đề án, năm nay Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh 3.799 chỉ tiêu đối với 37 ngành đào tạo thuộc 3 chương trình chính quy gồm: chương trình chuẩn, chương trình chuẩn quốc tế và chương trình tăng cường tiếng Anh.
Đặc biệt, năm nay trường sẽ tuyển sinh lần đầu đối với 3 ngành đào tạo gồm: kinh doanh thương mại Hàn Quốc, quốc tế học và nghệ thuật học.
Nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức:
Phương thức 1: xét tuyển thẳng (theo quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy), ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM), 1 – 5% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 2: ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, 15 – 20% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 3: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT 2024, 40 – 55% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 4: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024, 35 – 50% tổng chỉ tiêu.
Phương thức 5: ưu tiên xét tuyển học sinh là thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài; thí sinh có thành tích trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao, 1 – 5% tổng chỉ tiêu.
Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ.
Ngưỡng đầu vào từng ngành của phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: dự kiến từ 18 điểm trở lên, trường sẽ công bố chính thức theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024: ngưỡng đầu vào từ 600 điểm trở lên.
Đối với các phương thức khác, ngưỡng đầu vào là điều kiện xét tuyển của từng phương thức.