Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Lê Minh Ngân; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Khoáng sản Việt Nam; Cục Địa chất Việt Nam; Cục Quản lý tài nguyên nước; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Pháp chế; Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Bộ.
Về phía thành phố Đà Nẵng có đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố; đồng chí Trần Phước Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ thành uỷ, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách HĐND thành phố; đồng chí Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố; cùng Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính; Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng các Ban: Kinh tế – Ngân sách, Đô thị, thuộc Hội đồng nhân dân thành phố; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang; Giám đốc các Ban quản lý dự án của UBND thành phố Đà Nẵng.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc của Đà Nẵng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, với 09 lĩnh vực, khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ rất phức tạp, ảnh hưởng, tác động sát sườn đến người dân, doanh nghiệp. Do vậy, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, thành phố luôn tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự hướng dẫn kịp thời các Vụ, Cục trực thuộc Bộ. Sở TN&MT cùng các Sở, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý của Ngành TN&MT.
Trong đó, tập trung rà soát, đẩy mạnh và hoàn thành các quy hoạch tài nguyên nước, khoáng sản, khoanh vùng đất đai, biển và hải đảo và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược…, tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023).
Công tác hoàn thiện, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật của ngành TN&MT trên địa bàn thành phố được chú trọng; Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng, tăng cường chia sẻ và cung cấp thông tin lĩnh vực TN&MT; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp số lượng lớn Dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, thành phố đã từng bước khắc phục các tồn tại trong hệ thống cơ sở dữ liệu, tiến tới số hóa và quản lý toàn bộ dữ liệu của ngành TN&MT nhằm đáp ứng yêu cầu mới và mục tiêu Đề án thành phố thông minh.
Hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội thành phố (Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%); Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Kế hoạch chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, được các cấp thông qua các đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, trình cấp có thẩm quyền.
Cũng tại buổi làm việc, các đơn vị của Đà Nẵng đưa ra các đề xuất, kiến nghị về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời các đơn vị chuyên môn cũng như lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, pháp luật để đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế, xã hội, và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Trong đó, đề nghị hướng dẫn về công tác tổ chức, triển khai Luật Đất đai trên địa bàn thành phố để nâng cao năng lực thực hiện công tác quản lý nhà nước để kịp thời đáp ứng khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực; đồng thời hướng dẫn trình thẩm định Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025; Công tác xác định giá đất…
Quản lý bền vững lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nhằm góp phần đảm bảo ổn định mực nước cấp nước sinh hoạt khu vực hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn và thành phố Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực biển đảo, môi trường, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, thành phố đề xuất Bộ TN&MT chọn Đà Nẵng là địa phương thí điểm tham gia Dự án “Giảm thiểu Ô nhiễm Rác thải Nhựa tại Việt Nam” do thời gian qua, thành phố đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai về Quản lý chất thải rắn, phân loại rác thải, giảm thiểu chất thải nhựa với các mô hình thực tiễn từ cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, do đó sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả dự án này.
Về nội dung Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đối với lĩnh vực TN&MT, hỗ trợ hướng dẫn tạo lập lại bộ hồ sơ địa chính trên địa bàn thành phố, đảm bảo thống nhất từ hồ sơ địa chính dạng giấy được lập qua các thời kỳ đồng nhất với hồ sơ địa chính điện tử; hướng dẫn quy trình về làm giàu làm sạch dữ liệu địa chính; hỗ trợ chuyển đổi dữ liệu để kết nối, vận hành hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu.
Ngoài ra, xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi tín chỉ các bon…
Liên quan chính sách đặc thù của thành phố (Nghị quyết sửa đổi NQ 119 của Quốc Hội), thành phố đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm, có ý kiến ủng hộ, chỉ đạo công tác triển khai trong thời gian tới về các nhóm công việc về quản lý trong lĩnh vực môi trường, khoáng sản; Triển khai cụ thể Chính sách đặc thù về cơ chế trao đổi tín chỉ các bon tại Đà Nẵng để thành phố là sớm được tiếp cận với thị trường quốc tế và thử nghiệm giao dịch, vừa có thêm kinh nghiệm, vừa có thể tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước do nhu cầu giao dịch, trao đổi tín chỉ các-bon của thế giới đang tăng…
Bên cạnh việc giải đáp kiến nghị của thủ trưởng các đơn vị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Lê Minh Ngân đã làm rõ thêm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Hai thứ trưởng cho rằng các cuộc làm việc ở cấp lãnh đạo cao nhất như này là hết sức cần thiết và nên thường xuyên để cả cơ quan trung ương và địa phương cùng lắng nghe những vướng mắc thực tiễn để đưa ra những giải pháp đúng đắn, kịp thời.
Đối với những đề xuất của thành phố, với nhiệm vụ là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và Lê Minh Ngân sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đồng thời tham mưu cho Bộ trưởng sớm triển khai các nhóm công việc tháo gỡ cho địa phương. Đối với các cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố, các Thứ trưởng đề nghị chỉ nên đưa những nội dung quan trọng để xin cơ chế đặc thù của Quốc hội, còn đối với những nhóm công việc vẫn trong thẩm quyền của các bộ, ngành thì Đà Nẵng nên chủ động làm việc với các bộ, ngành, trong đó tập hướng đến phát triển bền vững, công nghệ cao, chuyển đổi số…
Lãnh đạo các đơn vị Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc chiều 25/4
Đưa Đà Nẵng là địa phương phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được, đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, là địa phương đi đầu trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao.
Nhấn mạnh Đà Nẵng có lợi thế, cơ hội mà ít địa phương nào trên cả nước có được đặc biệt là người dân có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kỳ vọng Đà Nẵng sẽ là địa phương kiểu mẫu trong việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thu gom và xử lý rác thải, nước thải.
Về những nhóm công việc cụ thể, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị về lĩnh vực đất đai sớm chuẩn bị kế hoạch tập huấn, hướng dẫn về công tác tổ chức, triển khai Luật Đất đai trên địa bàn thành phố để nâng cao năng lực thực hiện công tác quản lý nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu cho thành phố tập trung xây dựng bảng giá đất để cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) vừa mới được thông qua sẽ giúp cho việc quản lý trong lĩnh vực đất đai được tốt hơn; chủ động rà soát để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân đối với những thửa đất của hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ trước 1/7/2014 không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai…
Trong lĩnh vực môi trường, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân để đưa Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu, kiểu mẫu về phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên biển, đa dạng sinh học… Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị thành phố phát triển hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ được các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học nơi đây.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi tín chỉ các bon hỗ trợ cho Đà nẵng.
Ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của cá nhân Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng như các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ TN&MT để Đà Nẵng hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Quảng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành của Đà Nẵng chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất cho việc tập huấn Luật Đất đai 2024.
Với việc sắp tới Bộ Chính trị sẽ có những tháo gỡ về những vướng mắc cho các địa phương để thực hiện các mục tiêu phát triển, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bí thư Nguyễn Văn Quảng mong muốn Bộ TN&MT sẽ quan tâm hơn nữa để hỗ trợ thành phố; đồng thời ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đà Nẵng đang trình Chính phủ, Quốc hội.
Cũng trong dịp này, Bí thư Nguyễn Văn Quảng khẳng định Đà Nẵng sẽ xung phong và tập trung các nguồn lực ưu tiên cho các đề án bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom rác thải, nước thải để đưa Đà Nẵng là địa phương phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp nhất Việt Nam.