Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng Nga đang sản xuất nhiều vũ khí hơn mức cần thiết để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình công cộng ARD hôm 24/4, ông Pistorius được hỏi liệu ông có đồng tình với đánh giá của các nước vùng Baltic rằng Nga có thể sẵn sàng tấn công lãnh thổ NATO trong vài năm tới hay không. Vị chính trị gia thuộc Đảng SPD của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trả lời rằng không có quả cầu pha lê nào có thể báo trước được tương lai.
“Nhưng điều mà các chuyên gia quân sự và vũ khí nói là Nga đang mở rộng sản xuất vũ khí”, ông Pistorius nói và lưu ý rằng trong bối cảnh của một nền kinh tế thời chiến, “một phần lớn hơn những gì đang được sản xuất không được gửi đến tiền tuyến mà được đưa vào kho”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, trong trường hợp xung đột leo thang, toàn bộ NATO sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì nước Đức. “Trong trường hợp như vậy, chúng ta sẽ phải có khả năng tự vệ. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang nỗ lực hết sức để trang bị phù hợp cho các lực lượng vũ trang ở châu Âu, trong NATO”, ông Pistorius nói.
Phát biểu với tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine (FAZ) hôm 24/4 bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, ông Pistorius cho biết Berlin và Paris sắp ký một thỏa thuận để cùng phát triển một loại xe tăng chiến đấu mới cho châu Âu.
“Chúng tôi đang cùng nhau phát triển một hệ thống của tương lai hướng đến, những gì chúng tôi cần – từ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cảm biến tiên tiến đến khả năng sử dụng hệ thống không người lái trong một số tình huống nhất định”, Bộ trưởng Pistorius nói và cho biết thêm rằng ông cùng người đồng cấp Pháp sẽ ký một biên bản ghi nhớ về dự án ở Paris vào ngày 26/4.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu cho biết, dự án Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực (MGCS) sẽ áp dụng những bài học được rút ra từ cuộc chiến ở Ukraine và đảm bảo mẫu xe tăng mới phối hợp tốt với các loại vũ khí khác trong thực chiến.
Theo vị quan chức Pháp, MGCS không chỉ đơn thuần là sản phẩm kế thừa xe tăng Leopard của Đức và xe tăng Leclerc của Pháp, mà là một “bước nhảy vọt thế hệ về mặt công nghệ” vì nó sẽ bao gồm một xe tăng chiến đấu chủ lực đi kèm với robot, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI).
Berlin và Paris cũng hy vọng sẽ thấy được tiến bộ trong một sáng kiến quốc phòng quan trọng khác của Pháp-Đức, Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS), liên quan đến việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Minh Đức (Theo TASS, DPA/Zeit, Bloomberg)