Sáng 25-4, một số học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) đã phản ánh đề văn kiểm tra cuối học kỳ II của khối 10 quá dài.
“Chúng em đọc đề thôi đã mất 30 phút. Trong đó, văn bản của phần đọc – hiểu dài 2 trang giấy A4, trích từ tác phẩm Mùa hoa cải bên sông của tác giả Nguyễn Quang Thiều. Để trả lời được những câu hỏi của phần đọc – hiểu, chúng em phải đọc đi đọc lại văn bản nhiều lần, rất mất thời gian và không còn thời gian cho phần viết văn.
Đó là chưa kể câu hỏi của phần viết văn cũng rất khó. Phần này chiếm 5 điểm mà đề ra như sau: Anh, chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm “Chủ nghĩa cá nhân quan trọng hơn bất cứ điều gì” – một học sinh cho biết.
Không những thế, phụ huynh của học sinh trên còn thông tin thêm: “Trường THPT Marie Curie là trường thuộc top giữa của TP.HCM. Vậy mà đề kiểm tra môn văn cuối học kỳ 2 có độ khó như ở trường THPT chuyên.
Tôi có tham khảo đề văn của những trường THPT top đầu thì thấy các đề đều có độ dài vừa phải, nội dung đề gần gũi với lứa tuổi học sinh, chứ không khó như ở Trường THPT Marie Curie”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Vân Yên, hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, chia sẻ: “Tôi đã nắm được thông tin học sinh khối 10 phản ánh về đề văn vào sáng 25-4. Theo giải trình của tổ văn thì học sinh khối 10 đang học về thể loại truyện ngắn nên mới chọn ngữ liệu như vậy. Riêng các câu hỏi của phần đọc – hiểu là vừa sức, bám sát văn bản”.
Ông Yên cũng thừa nhận: “Ngữ liệu phần đọc – hiểu của đề văn quá dài. Nhìn vào hình thức đề dễ bị “ngộp” do lượng chữ quá nhiều. Học sinh làm đề văn này khá cực vì phải đọc nhiều quá. Cái này tôi đã yêu cầu tổ văn nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Mặt khác, ông Yên cũng thông tin thêm: “Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có phần đọc lướt. Học sinh đã được học nội dung này và cũng đã được ôn tập trước khi làm bài kiểm tra. Nhà trường đã tổ chức chấm thử 5 bài thì thấy kết quả khá khả quan, không có bài nào dưới điểm trung bình”.
Theo ông Yên, cái khó của giáo viên khi ra đề văn là không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa. Vi vậy, khi chọn văn bản cho phần đọc – hiểu có thể giáo viên chưa có kinh nghiệm về việc này.