Đã có hàng trăm bình luận, chia sẻ của độc giả gửi về Tuổi Trẻ xoay quanh câu chuyện hủy hôn vì bị thách cưới “4 cây vàng và 50 triệu đồng mới được rước con gái tui đi”. Điều đó cho thấy những băn khoăn, lùm xùm từ tục thách cưới là có thực, đang diễn ra hằng ngày và đầy bức bối.
Rất nhiều bình luận trong số đó của độc giả đều thể hiện sự đồng tình và xem thách cưới là một hủ tục đã lạc hậu, cần bỏ đi “để không làm khổ lứa đôi”.
Nhiều chia sẻ của bạn đọc còn thể hiện nỗi khổ đau khi từng là người trong cuộc, nghe hay thấy chuyện đôi trẻ phải xa nhau chính bởi tục lệ này thì buồn lắm!
Nhưng có nhiều bạn đọc lại có cái nhìn khác về tục lệ này.
Bạn đọc tên Linh chia sẻ không thể nói “thời đại nào rồi còn thách cưới”, bởi việc thách cưới là phong tục truyền thống tốt đẹp mà ông bà để lại. Tục lệ này để thể hiện thành ý của nhà trai, thể hiện vị thế của nhà gái.
Độc giả Đỗ Hữu Vịnh cho rằng thách cưới chỉ là “thuận mua vừa bán”. Chỉ khó hiểu chuyện các đôi tìm hiểu nhau cái gì, để đến khi tính chuyện cưới mới biết phải nộp tiền và vàng. Bậc cha mẹ đòi thách cưới có lấy được tiền bạc cũng chỉ làm khổ con bởi khi về nhà chồng thì họ cũng coi như món đồ mà họ bỏ tiền ra để mua.
Không những không cần bỏ, bạn đọc Nguyễn Tuấn Lộc cho rằng cần phải giữ thủ tục này, thậm chí thách cưới cao lên, nhiều vào. Việc có cưới hay không là do các bạn có yêu nhau, có dám đến với nhau không. Vì dám yêu, dám đến thì chẳng lo gì cả.
Với bạn đọc Nguyễn Anh, dùng từ “thách” là hơi nặng nề, nên xem đây là phần quà bởi dù gì thì đó cũng là tài sản chung của hai vợ chồng, đâu riêng gì nhà gái. Việc nuôi con ít nhất 22 năm trời nếu thách cưới thì bao nhiêu cho đủ.
“Biết hạnh phúc sau này của con gái mình như thế nào? Đàn ông thì có thể tái hôn. Phụ nữ sẽ lận đận hơn nếu phải gánh thêm đứa con”, bạn đọc Nguyễn Anh chia sẻ.
“Nhà gái đẻ con ra, bao công nuôi nấng, ít nhiều gì thì cũng phải thách để bạn trai và nhà trai đừng nghĩ cưới con gái người ta miễn phí” là quan điểm của độc giả Tú Uyên.
Theo Tú Uyên, cái gì dễ có được thì cũng dễ chà đạp, hắt hủi lắm! Nhất là khi bao cô vợ hy sinh cho chồng, gia đình chồng rồi bị hắt hủi, ra đi tay trắng, mất cả thanh xuân.
Bạn độc Ton Vo cũng bày tỏ: “Có bấy nhiêu lo không nổi thì cưới xin gì?”. Theo Ton Vo, nuôi lớn đứa con bấy nhiêu có đủ mà bảo thách cưới. Vấn đề quan trọng là điều kiện kinh tế không tốt thì chắc phần không hạnh phúc.
“Thách cưới là hủ tục, bản chất là mua bán”
Đi ngược lại, bạn đọc Lam xem thách cưới rõ là một hủ tục, bản chất là một sự mua bán con người. Trong văn hóa của người xưa thể hiện điều này rất rõ, từ tư tưởng trọng nam khinh nữ cho tới quan niệm “dâu con rể khách”, con trai là con mình, con gái là con người.
Nhà gái nuôi con đến tuổi lấy chồng, đám cưới xong là không phải con của mình nữa mà chuyển qua thành con cháu trong nhà của họ nhà trai. Khoản thách cưới chính là giá trị được đong đếm về mặt vật chất của phụ nữ trong câu chuyện. Vì vậy nên các cụ ngày xưa lục đục thì cũng lấy chuyện thách cưới ra để cãi nhau: “Tôi được nhà anh rước về chứ không phải tự đến ở”, hay “tôi trả cô về nhà ngoại”.
Ngày nay, vị thế của phụ nữ đã khác, thiết nghĩ quan niệm về thủ tục, thách cưới cũng nên hủy bỏ!