Chuyện lạ là thông báo được gửi đến vào sáng 23-3, nhưng giao dịch đã diễn ra vào ngày 21-3. Chủ thẻ tín dụng khẳng định không hề biết và thực hiện giao dịch đó.
Thông báo “-PHP 55.000”, giật mình khi biết là ngoại tệ, hơn 24 triệu
Theo bài đăng, chủ thẻ đã giật mình khi thấy thông báo trừ tiền qua ứng dụng ngân hàng với giá trị hơn 24 triệu đồng. Qua kiểm tra thì không thấy có giao dịch nào ứng với số tiền đó, chỉ có một giao dịch với “- PHP 55.000” cùng địa chỉ Facebook.
“Giao dịch này được thực hiện hôm thứ sáu, 21-3. Hôm đó mình cũng thấy thông báo từ app (ứng dụng ngân hàng – PV) với nội dung trừ 55.000. Do chiều đó mình bận và trước đó có chạy xuống tòa nhà mua cà phê, thanh toán bằng Apple Pay nên nghĩ là khoản này”, tài khoản Thái Mèo viết.
Anh khẳng định thẻ vẫn trong túi, “không liên kết thẻ vào bất kỳ nền tảng thanh toán nào vì là thẻ Signature.
“Việc lộ thông tin thẻ là không thể, vì mình rất cẩn thận trong thanh toán, các giao dịch dưới thì một là qua kênh Apple Pay, hoặc thanh toán trực tiếp, tự quẹt thẻ chứ không đưa nhân viên”, người này nói.
Và rồi, sau khi kiểm tra một hồi thì mới biết khoản 55.000 PHP kia là tiền Philippines, tương đương khoảng 24 triệu tiền Việt Nam.
Hoàn tiền nhưng không giải thích lý do
Khi yêu cầu tra soát giao dịch trên, từ tổng đài chăm sóc khách hàng lẫn trực tiếp tại quầy thì chủ thẻ tín dụng nhận được thông tin: “Khó thu hồi lắm anh”.
Thắc mắc vì sao không thấy thông báo gì từ phía ngân hàng về giao dịch bất thường, ngoại trừ một dòng tin trừ tiền từ ứng dụng, anh được thông báo ngân hàng này đã thay đổi hình thức và chỉ thông báo qua app.
Trước đây, các giao dịch có giá trị lớn, trên 20 triệu đồng, anh vẫn nhận được cuộc gọi xác minh từ ngân hàng.
“Nghe vậy mình bất an luôn. Nếu ngày nào, khách không để ý thông báo là toang. Cuối cùng, họ bảo chờ trong tuần xem có thông tin gì thì sẽ báo”, tài khoản Thái Mèo viết.
Đến ngày 30-3, nghĩa là đã gần 10 ngày kể từ khi có phát sinh giao dịch, gần 1 tuần phản hồi và yêu cầu tra soát, anh vẫn không có thông tin gì thêm. Thế nhưng khi người này gọi lên tổng đài thì được báo “tiền của anh đã được hoàn”, và không nói nguyên nhân.
Dù không mất 24 triệu đồng ấy, tuy nhiên chuyện chưa dừng lại. Ở kỳ sao kê tháng đó thể hiện có 2 giao dịch trừ phí chuyển đổi ngoại tệ, mỗi giao dịch 266.000 đồng và liên quan đến 55.000 PHP.
Gọi điện lên ngân hàng thì hay tin “anh thực hiện giao dịch nên phải trừ phí”. Tiếp tục trao đổi rằng bị trừ tiền giao dịch trái phép dù không thực hiện giao dịch đó, câu trả lời mà vị chủ thẻ nhận được là “do thẻ của anh phát sinh giao dịch nên anh phải chịu”.
Chủ thẻ tín dụng trên còn chia sẻ liên tục được tổng đài viên nhắn “đọc điều khoản ở website của ngân hàng”.
Chung một cách thức, nhiều người bị
Tài khoản trên cho biết sau khi đăng bài cảnh báo cũng đã nhận được một số tin nhắn, báo cũng bị tình trạng như vậy. Cùng cách thức thanh toán PHP cho Facebook, cùng một hạng thẻ, mỗi giao dịch chỉ từ 55.000 – 56.000 PHP.
Theo chủ tài khoản, nếu người dùng không để ý thì rất dễ nghĩ đây là số tiền nhỏ, không phải ai cũng biết đó là tiền ngoại tệ.
“Kẻ tận dụng lỗ hổng này cũng rất biết cách khai thác. Chỉ làm 1 giao dịch, số tiền theo cách nhìn thông thường sẽ chỉ là 1 cốc cà phê”, tài khoản Thái Mèo viết.
Anh bày tỏ nỗi bất an khi đã có hai người liên hệ tìm hiểu bởi chính họ cũng là nạn nhân của cách thức lừa đảo trên, một người ở Hải Phòng và một ở TP.HCM.