Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên; ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Hải Dương.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa – Thành viên Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 cho biết, căn cứ Thông báo Kết luận số 81/TB-VPCP ngày 6/3/2024 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và Quyết định số 31/QĐ-BCĐ ngày 12/3/2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Bộ TN&MT được Trưởng ban Chỉ đạo phân công theo dõi 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam.
Thay mặt Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo UBND và các Sở, ban, ngành của 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam để nắm bắt kế hoạch thực hiện sắp xếp của các tỉnh, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo. Tại cuộc họp, đại diện 3 tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên đã báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại địa phương.
Theo đó, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh Hưng Yên có 930,20 km2. Quy mô dân số tính đến 31/12/2022 là 1.437.152 người. Tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, 8 huyện (Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và Ân Thi). Tỉnh hiện có 161 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm: 14 phường, 8 thị trấn và 139 xã.
Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hưng Yên không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; có 35 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp và có 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp. Do đó, số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 25 đơn vị, 20 đơn vị hình thành mới sau sắp xếp và giảm 22 đơn vị do sắp xếp.
Đối với tỉnh Hải Dương, đại diện Sở Nội vụ tỉnh cho biết, tỉnh Hải Dương có 1.668,28km2 diện tích tự nhiên, dân số 2.118.265 người. Hiện nay tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: 2 thành phố (Hải Dương và Chí Linh); 1 thị xã (Kinh Môn); 9 huyện (Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách và Gia Lộc). Tỉnh Hải Dương có 235 đơn vị hành chính cấp xã gồm 47 phường, 10 thị trấn và 178 xã.
Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hải Dương không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; có 38 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp (gồm 5 phường và 33 xã); có 23 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp; 5 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng do yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp; 1 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện đơn vị hành chính liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính khi thực hiện sắp xếp.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hải Dương sẽ giảm 28 đơn vị hành chính (gồm 1 phường và 27 xã).
Đối với tỉnh Hà Nam, đại diện tỉnh cho biết, Hà Nam có 861,90km2 diện tích tự nhiên với dân số 1.056.087 người. Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và 4 huyện (Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục). Tỉnh Hà Nam có 109 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 20 phường, 6 thị trấn và 83 xã.
Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; có 13 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp; 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng do yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp và 8 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện đơn vị hành chính liền kề có liên quan khi thực hiện sắp xếp.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hà Nam sẽ giảm 11 đơn vị hành chính (gồm 1 phường và 10 xã).
Theo nội dung báo cáo của các tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương tập trung xây dựng và thông qua Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 tại địa phương trước tháng 6/2024, hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương trong tháng 8/2024; tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Đề án sắp xếp trình Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh hoàn thiện hồ sơ Đề án tổng thể sắp xếp cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trình Bộ Nội vụ xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã báo cáo tiến độ thực hiện, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án sắp xếp. Theo đó, lãnh đạo các tỉnh phản ánh rằng, việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay chờ vào chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ. Mặt khác, việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp hiện đang hạn chế về công năng hạ tầng, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng đối với cán bộ, công chức, không thuận tiện cho nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính;…
Trên cơ sở ý kiến phản ánh, đề xuất của 3 tỉnh, tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội), các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đóng góp ý kiến để UBND các tỉnh hoàn thiện Đề án trình Bộ Nội vụ.
Các ý kiến tập trung vào tổng thể phương án sắp xếp, sắp xếp tổ chức bộ máy, thời gian nộp Đề án về Bộ Nội vụ họp thẩm định hoàn thiện trình Chính phủ và các nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; góp ý về quy hoạch và tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị phù hợp với các quy hoạch chung đảm bảo theo quy định; quy mô dân số đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ công an; yếu tố an ninh quốc phòng trên địa bàn 3 tỉnh liên quan đến yếu tố đặc thù;…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của 3 tỉnh trong tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại địa phương. Đồng thời, Thứ trưởng cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, Trung ương trong việc tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai Đề án sắp xếp.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng các Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyến ban hành văn bản hướng dẫn và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp cã theo đề nghị của địa phương.
Về phía Bộ TN&MT, Thứ trưởng giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 3 tỉnh, bổ sung vào báo cáo gửi Ban Chỉ đạo để sớm có giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp, kịp thời.