Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1945 – 1954, Thái Nguyên được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm An toàn khu (ATK) – “Thủ đô kháng chiến”. Tại đây đã cho ra nhiều quyết định lịch sử quan trọng liên quan tới vận mệnh dân tộc.
Trong đó có sự kiện đặc biệt diễn ra vào ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau quyết định lịch sử này, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tỉnh Thái Nguyên đã cùng với cả nước ra sức thực hiện khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, nhiều người con của Thái Nguyên đã không tiếc tuổi xanh, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động 671 tấn gạo, gần 29 tấn thịt, 10 tấn đỗ, lạc… để cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ; Huy động hơn 9.500 dân công đi mở đường và sửa chữa cầu, đường phục vụ Chiến dịch; Huy động hàng nghìn dân công đi vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tôn vinh, tri ân người có công với cách mạng, nhất là những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phát biểu tại chương trình Gặp mặt, tri ân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, đồng tâm vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thái Nguyên giữ vững vị thế trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội; xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên và ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chung tay chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Mong muốn người có công và gia đình người có công tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, nêu gương sáng động viên con cháu thế hệ trẻ chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trở thành cán bộ tốt, công dân và đồng lòng xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có và phồn thịnh.
Tại chương trình Gặp mặt, tri ân, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng 448 suất quà trị giá 448 triệu đồng cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao tặng 504 suất quà tổng trị giá trên 655 triệu đồng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh.