Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Giải thích về lý do giá vé máy bay nội địa liên tục tăng trong thời gian gần đây, theo các hãng bay, là do các chi phí đầu vào (trả bằng USD) như xăng, thuê máy bay, thuê phi công… tăng theo giá USD, chưa kể số lượng máy bay bị giảm mạnh.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc giá vé máy bay nội địa tại Việt Nam quá cao là do thiếu sự liên kết giữa hàng không và du lịch, chưa nhận được sự hỗ trợ trong chính sách thuế, phí…
Nhiều loại phí “bao vây” giá vé máy bay
Rất nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề như vậy, bởi đây là nghịch lý không thể chấp nhận.
“Nếu cho rằng nguyên nhân tăng giá vé máy bay là do chi phí đầu vào được tính bằng USD như xăng, thuê máy bay, thuê phi công… tăng theo giá USD, thì Thái Lan họ chỉ thanh toán bằng baht, không thanh toán bằng USD à?”, bạn đọc Huy nêu vấn đề.
Với thắc mắc đó, bạn đọc Tư Cà Mau bổ sung: “Việc tăng giá vé máy bay nội địa một phần do bay nội địa thì ít nhưng bộ máy điều hành thì nhiều. Cuối cùng, khách hàng vẫn là người chịu thiệt”.
Cùng lập luận các hãng hàng không nước ngoài cũng phải tốn các chi phí như: bảo trì, tiền thuê, chi phí nhân viên… tương tự, nhưng họ cung cấp giá vé máy bay rẻ hơn Việt Nam, bạn đọc Lộc Nguyễn kết luận: “Quý vị tăng giá để thêm lợi nhuận mà thôi!”.
“Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại của người dân cũng tăng cao và chọn phương tiện nhanh lẹ, ít tốn thời gian nhất. Chính vì điều này nên các hãng hàng không cứ ‘té nước theo mưa’, đặc biệt vào các dịp lễ Tết”, bạn đọc Cauvongxanh viết.
Bạn đọc Minh Đức liệt kê: “Phí quản trị hệ thống, phụ thu nhiên liệu là 2 loại phí rất vô lý áp cho hành khách, chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá vé. Giá vé có 500.000 đồng mà phí quản trị hệ thống hết 480.000 đồng, phụ thu nhiên liệu hết 600.000 đồng nữa. Mình mua vé các hãng nước ngoài không bao giờ thấy bị thu mấy cái phí này”.
Đưa ra hai câu hỏi: Thứ nhất, tỉ giá chỉ tăng 3% năm qua, giá dầu thì 20%, vậy tại sao giá vé tăng gấp hai? Thứ hai, tại sao vé bay qua Thái rẻ dữ vậy? Chẳng lẽ du lịch Thái Lan trợ giá cả các chuyến bay quốc tế mấy tỉ USD/năm?, bạn đọc Nguyễn Minh chất vấn: “Đề nghị các chuyên gia tìm hiểu rõ ràng, bao nhiêu % tăng do tỉ giá, bao nhiêu do giá dầu, còn bao nhiêu % còn lại do cái gì?”.
Vé máy bay cao, ngành du lịch thua ngay trên sân nhà
Theo nhiều bạn đọc, trước khi có câu trả lời vì sao giá vé máy bay nội địa tăng cao để tìm giải pháp khắc phục, có một điều mà ai cũng thấy, đó là du lịch Việt Nam thua ngay tại sân nhà.
“Việt Nam chủ trương cho nghỉ dài kích cầu trong nước, vậy mà nhìn thấy giá vé máy bay nội địa tăng chóng mặt, vậy thì thua rồi. Cá nhân tôi, nếu có đi thì sẽ đi nước ngoài thấy hiệu quả hơn”, bạn đọc Văn Thanh viết.
Hy vọng có một giải pháp hợp lý để kích cầu du lịch trong nước, bạn đọc Quyên nói: “Việt Nam nhiều cảnh đẹp, thức ăn ngon. Kêu gọi người dân ủng hộ du lịch nước nhà mà giá vé máy bay, giá vé dịch vụ tăng cao, làm sao để yên tâm tận hưởng du lịch trong nước đây?”.
Còn theo bạn đọc Thanh Vinh, “có nhiều yếu tố người Việt Nam không đi du lịch trong nước, trong đó có giá vé máy bay cao”.
“Cách tốt nhất để tạo ra môi trường vận chuyển hàng không lành mạnh, minh bạch là cho phép các hãng bay nước ngoài được khai thác tuyến bay nội địa”, bạn đọc Trần Phong Phú đề nghị.
Đồng tình quan điểm trên, bạn đọc Minh Trần kiến nghị: “Đề nghị cho phép các hãng nước ngoài khai thác đường bay nội địa. Có cạnh tranh thì mới có giá tốt”.
Tại sao trong các khoản phí hàng không lại gồm “phí quản lý hệ thống” tốn 500.000 – 700.000 đồng/vé. Phí này nộp cho ai và để làm gì? Và tại sao chỉ các hãng hàng không Việt Nam thu khoản phí này?
Thứ nữa, nếu giải thích do tỉ giá tăng, giá xăng dầu tăng nên giá vé tăng, vậy tại sao trong cấu thành các khoản phí lại có thêm “phụ phí xăng dầu”?
Bạn đọc Sơn