Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng ta, nhất là từ khi đất nước chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ trương này càng được chú trọng. Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến trình đổi mới đất nước đã có những bước phát triển quan trọng, thu được nhiều thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá trong nhiều năm, quy mô nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với trước.
Từ một đất nước bị thiếu lương thực, đến nay không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thuộc nhóm đầu thế giới. Cùng đó, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân được các cấp, ngành quan tâm chăm lo, thể hiện qua các chỉ tiêu về giảm thiểu bất bình đẳng giới; rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo (điển hình là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; sự phân phối thu nhập được giữ trong ngưỡng khá an toàn so với các nước cùng khung thu nhập. Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói được hoàn thành; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo thời gian cùng quá trình tăng trưởng kinh tế…
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải thực hiện ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Từ những kết quả đạt được, có thể tự hào khẳng định, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Tôi hoàn toàn thống nhất với chỉ đạo của Tổng Bí thư: tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải thực hiện ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện tốt chỉ đạo nêu trên, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế-xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh về vị trí, vai trò quan trọng của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển cụ thể. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh với xu hướng tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích vật chất bằng mọi giá, rời xa mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.