Suni Hạ Linh thoải mái khi thi “Đạp gió” Trung Quốc, không ngại bị so sánh với Chi Pu vì tin có màu sắc riêng.
Suni Hạ Linh là một trong sáu ca sĩ quốc tế tham gia show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng mùa 5 cùng dàn nghệ sĩ Trung Quốc, lên sóng ngày 19/4. Ca sĩ nói về thử thách tại chương trình, quan điểm làm nghề.
– Sau tập một vòng solo, chị đón nhận phản ứng khen, chê của khán giả thế nào?
– Lần đầu tôi nhận được nhiều sự chú ý cùng lúc nên phải mất thời gian để điều chỉnh tâm lý. Tôi trân trọng mỗi ý kiến, góp ý từ khán giả vì đó là động lực, bài học giúp bản thân ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, khi đối mặt các bình luận tiêu cực, tôi hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian riêng và sức khỏe tinh thần. Đôi khi, các nhận xét ác ý, không mang tính xây dựng sẽ có khả năng gây ảnh hưởng lớn không chỉ cho tôi mà còn người thân. Do đó, tôi học cách loại bớt năng lượng tiêu cực, thay thế bằng cách đặt niềm tin vào chính mình và đồng đội nhiều hơn.
– Lý do chị tham gia chương trình?
– Tôi nhận được lời mời của nhà sản xuất hồi tháng 12/2023. Tuy nhiên, êkíp đã mất gần hai tháng để cân nhắc, trao đổi thông tin với phía chương trình, trước khi xác nhận đồng ý trước Tết Nguyên đán.
Sau tám năm đi hát, đây là thời điểm thích hợp lẫn cơ hội lớn để tôi bước ra khỏi vùng an toàn, thể hiện rõ nhất về bản thân. Trước đây, mọi người đã quá quen với Suni Hạ Linh ngọt ngào, dễ thương. Tôi đã 33 tuổi, đến lúc cần mang đến cho khán giả hình ảnh trọn vẹn, mới mẻ hơn.
Ngoài ra, tôi còn nhận ra đây sẽ là cơ hội để tiếp cận và giới thiệu bản thân với nhiều đối tượng khán giả, từng bước tiến gần hơn với ước mơ thực hiện concert đầu tiên trong sự nghiệp. Do vậy, tôi luôn trong tâm thế “chơi hết mình” cho mỗi buổi trình diễn.
– Chị nói gì khi một bộ phận khán giả so sánh Suni Hạ Linh với Chi Pu – gương mặt thành công tại chương trình 2023?
– Chi Pu rất thành công khi tham gia chương trình mùa trước. Việc mọi người so sánh tôi và đồng nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi không có gì phải lo lắng. Thực tế, không ca sĩ nào giống nhau bởi ai cũng có cá tính, phong cách, con đường lẫn định hướng phát triển sự nghiệp riêng. Do đó, mọi sự so sánh ở hiện tại đều là khập khiễng.
Ngay từ đầu, tôi xác định đây là hành trình để khán giả thấy rõ sự lột xác của bản thân. Do đó, áp lực lớn nhất của tôi là vượt qua các nỗi sợ, sự ám ảnh trong quá khứ. Tôi nhận ra việc so sánh bản thân với người khác sẽ dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Thay vì thế, tôi tự nhìn vào chính mình để nhận ra hôm nay làm tốt hơn hôm qua. Tại chương trình, mỗi “tỷ tỷ” đều có thế mạnh riêng. Tôi cho rằng chỉ cần thể hiện những gì thật nhất, hãy cứ là chính mình đã là sự khác biệt.
– Chị chuẩn bị gì khi đến với cuộc thi?
– Tôi không bao giờ có tâm lý dạo chơi. Ngoài ra, đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi coi nhẹ bất cứ sân khấu nào dù lớn hay nhỏ. Vì vậy, ngoài trau dồi giọng hát, vũ đạo, tôi học thêm kỹ năng biểu diễn để mang đến tiết mục thu hút phần nghe lẫn nhìn. Tôi học tiếng Trung từ lúc còn ngồi ghế nhà trường nên quá trình giao tiếp tại chương trình không gặp nhiều khó khăn.
Với các tiết mục, tôi luôn bàn bạc cùng êkíp và ban tổ chức để đưa ra lựa chọn phù hợp vào từng thời điểm, cũng như câu chuyện muốn truyền tải. Như ở tập đầu tiên, tôi đã lồng ghép, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Trong lần gặp đầu tiên, nhiều “tỷ tỷ” ấn tượng với trang phục của tôi. Qua từng hoạt động, tôi có cơ hội để giới thiệu văn hóa Việt đến mọi người hơn.
– Nhìn lại chặng đường sự nghiệp trước khi đến với Đạp gió, chị cảm nhận điều gì?
– Mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau về danh tiếng. Tôi khá hài lòng với những thành tích âm nhạc cùng sự yêu mến của khán giả. Tám năm qua, có nhiều lúc tôi bị phụ thuộc bởi quyết định của những người xung quanh mà quên mất mình thật sự là ai hay đang phấn đấu vì mục đích gì. Chính vì nỗi sợ sẽ không được yêu thương nên tôi từng đưa ra lựa chọn không phù hợp bản tính. Trải qua nhiều va vấp trong mỗi giai đoạn làm nghề, tôi đã học được rằng không ai có thể làm hài lòng tất cả và mọi lời khen chê là một phần tất yếu của nghề này.
Tôi nhớ rất rõ cảm giác lần đầu đứng trên sân khấu của “Đạp gió”, lúc treo mình trên cao hay khi bung người rơi xuống từ độ cao 10 m, chẳng sợ hãi điều gì, ngược lại thấy tự do và biết ơn. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy được là chính mình nhiều nhất.
– Gia đình ủng hộ chị ra sao trên con đường nghệ thuật?
– Trước đây, bố mẹ không ủng hộ tôi dù gia đình có truyền thống trong ngành múa. Họ sợ tôi vất vả vì hiểu tính chất của ngành nghề. Điều này từng là rào cản tâm lý với tôi trong nhiều năm. Tôi hoạt động với trạng thái thiếu thoải mái, không biết hưởng thụ điều thú vị mà công việc mang lại.
Về sau, khi chứng kiến sự quyết tâm lẫn thành quả của con gái, gia đình thay đổi suy nghĩ, hiện ủng hộ tôi nhiều mặt. Tôi không muốn bố mẹ phải bận tâm, lo lắng nhiều vì họ đã có tuổi, nên chọn cách làm nghề nghiêm túc, tránh tai tiếng.
Gần đây, tôi thấy niềm vui của bố mẹ là dõi theo con gái tại Đạp gió. Mẹ tôi bấm “like” (yêu thích) không thiếu thông tin nào về con trên các trang mạng xã hội. Còn bố thì gửi hình ảnh, nội dung vào các hội nhóm của họ hàng để mọi người cùng lan tỏa.
Suni Hạ Linh, 30 tuổi, sinh ra trong gia đình có bố mẹ, chị gái đều là nghệ sĩ múa. Bố cô là Ngô Đặng Cường – nguyên hiệu trưởng Trường Múa TP HCM. Ca sĩ từng phát hành nhiều dự án nhạc hút lượt xem trên YouTube như Cứ chill thôi (106 triệu view), Không sao mà em đây rồi (84 triệu), Cảm nắng (15 triệu), Thích rồi đấy (12 triệu).
Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng là show truyền hình ăn khách hàng đầu Trung Quốc. Người chơi sẽ trình diễn âm nhạc, vũ đạo cá nhân và theo nhóm. Các thí sinh được chấm điểm cao nhất hội tụ thành ban nhạc mới. Tại mùa năm, Suni Hạ Linh tranh tài cùng 36 sao nữ, trong đó có năm nghệ sĩ nước ngoài và dàn sao xứ Trung như Thích Vy, Hàn Tuyết, Tát Đỉnh Đỉnh, Trần Lệ Quân, Trương Dư Hi…
Tân Cao