Những ngày qua, trên mạng xã hội như Facebook, Instagram xuất hiện loạt từ khóa “5 ngày 5 đêm” như “thiền nằm 5 ngày 5 đêm nhân ngày 30-4, 1-5”, “5 ngày 5 đêm đi tìm ra ly cà phê ngon nhất Sài Gòn”, “5 ngày 5 đêm càn quét đồ ăn mẹ nấu”…
“Ngủ 5 ngày 5 đêm” dịp lễ 30-4, 1-5
Trong đó, nổi bật nhất là hiện tượng “ngủ 5 ngày 5 đêm nhân dịp lễ 30-4, 1-5”. Dù chỉ mới xuất hiện 4 ngày nhưng trào lưu này đã thu hút hơn 1.000 người quan tâm và đăng ký tham gia, chia sẻ rộng rãi, rầm rộ trên mạng xã hội.
Nhiều người hào hứng bình luận “ngủ 5 ngày 5 đêm gooo”, “chờ đợi ngày nghỉ chỉ để ngủ”, “hy vọng đi ngủ ké với mấy nhóc em mà không bị đá ra khỏi phòng”, “mặc dù chỉ được nghỉ có 2 ngày nhưng vẫn quyết tâm ngủ đủ 5 ngày”, “lên công ty ngủ luôn”…
Tưởng rằng chỉ là một hiện tượng vui, hài hước, xả stress trên mạng nhưng nhiều người bày tỏ họ thật sự nghĩ đến việc dành trọn 5 ngày nghỉ với hoạt động chính chỉ là… ngủ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Khánh Ly (24 tuổi, nhân viên văn phòng) nói: “Một giấc ngủ sâu, không lo lắng là điều tôi khao khát nhất hiện tại”.
Công việc của Ly thường bắt đầu lúc 8h sáng và thường xuyên phải tăng ca đến 8-9h tối, chưa kể trong tuần cô còn phải đi tiếp khách tới 1-2h sáng, làm thêm cuối tuần là chuyện bình thường.
“Công việc dồn đống và áp lực tới mức tôi thường tự hỏi mỗi sáng “mình có cần công việc này tới vậy”, nghỉ lễ này tôi thực sự chỉ muốn “sập nguồn”, mặc kệ đời trôi”, Ly nói.
Tương tự, chia sẻ lại trào lưu “ngủ 5 ngày 5 đêm” trên trang cá nhân Facebook của mình, Trần Trung (25 tuổi) cho hay gia đình anh đã lên kế hoạch đi Đà Lạt dịp lễ này, nhưng với mục đích chính chỉ là để… đổi chỗ ngủ.
Theo Trung, gia đình anh chọn Đà Lạt cho chuyến nghỉ dưỡng 5 ngày 5 đêm bởi Đà Lạt có nhiệt độ mát mẻ, không khí trong lành, đồ ăn ngon cùng nhiều khu nghỉ dưỡng yên tĩnh, phù hợp để… ngủ.
“Cả năm làm việc quần quật, thật sự mình chỉ muốn kiếm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và sạc lại năng lượng”, Trung chia sẻ.
Chọn “chữa lành” tiết kiệm
Mai Chung (30 tuổi) chia sẻ cứ gần tới gần ngày lễ, mạng xã hội của cô lại tràn ngập những hình ảnh, video đi du lịch “chữa lành”, hòa mình vào thiên nhiên, tìm lại sự bình yên cho tâm hồn.
Chung nói bản thân cô cũng rất muốn “đi chữa lành”, tuy nhiên với một năm kinh tế khó khăn, lương thưởng đều giảm, cô đành chọn cách “chữa lành” tiết kiệm bằng cách “ngủ 5 ngày 5 đêm” (cười).
Theo Chung, ngủ 5 ngày 5 đêm thực chất chỉ là cách nói vui cho việc vui chơi tại nhà, đơn giản là cho phép bản thân lười nhác, cùng bạn bè nằm trên sofa, ngắm trần nhà và cùng “hít hà drama”. “Với tôi, chỉ cần dành thời gian chất lượng bên bạn bè, người thân cũng đủ vui”.
Tương tự, Linh Chi (25 tuổi) cho hay thay vì đi du lịch ngày lễ vừa đông, vừa mệt, vé tàu xe, khách sạn, dịch vụ đều tăng, cô chọn cùng bạn thân khám phá những nơi mới, dành thời gian chủ yếu vui chơi tại TP.HCM.
“Tôi và bạn thân quyết định dùng 5 ngày nghỉ lễ khám phá một số quán cà phê mới, tận hưởng không khí vắng vẻ hiếm có của TP.HCM ngày lễ, sau đó sẽ về nhà cùng nấu ăn và xem Netflix”.
“Chữa lành” tiết kiệm cũng là xu hướng lựa chọn của nhiều người năm nay. Theo đó, các từ khóa như “thiền nằm 5 ngày 5 đêm nhân ngày 30-4 và 1-5”, “5 ngày 5 đêm đi tìm ra ly cà phê ngon nhất Sài Gòn”, “5 ngày 5 đêm càn quét đồ ăn mẹ nấu” cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.
Ngược lại, không ít người lại bày tỏ quyết tâm nghỉ lễ không nghỉ học hay nghỉ lễ không nghỉ làm. Theo đó, các từ khóa như “đi làm 5 ngày 5 đêm xuyên dịp lễ”, “không đi chơi 5 ngày lễ vì nghèo và phải tăng ca”, “5 ngày 5 đêm nghỉ lễ vẫn bất chấp đi làm vì thưởng Tết 2025” cũng được nhiều người hào hứng tương tác.