BÌNH ĐỊNH Quyết tâm thuê lại vùng đất 5% cằn cỗi của xã, anh Thường đã biến thành trang trại cây ăn trái, trồng rau màu theo hướng hữu cơ làm nức lòng người dân tròng vùng.
Chọn nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” khởi nghiệp
Quê ở huyện Hoài Ân – nơi được mệnh danh là thủ phủ cây ăn quả của tỉnh Bình Định nên anh Nguyễn Ngọc Thường (53 tuổi) ở thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) biết rõ những năm qua, các nhà vườn trồng cây ăn quả ở Hoài Ân ai cũng “hái ra tiền”. Trong khi đó, những nông dân đang thuê đất 5% ở thôn Kim Sơn do UBND xã Ân Nghĩa quản lý lại làm đơn trả lại đất cho xã vì đất quá xấu, không trồng cây gì cho ra hồn.
Không bỏ lỡ cơ hội, anh Thường làm đơn thuê lại 1,5ha diện tích đất bị nông dân quay lưng. Việc này khiến anh phải chịu không ít “lời ong tiếng ve” của người dân địa phương. Thậm chí có người cho rằng, chỉ có điên mới ôm khổ vào thân khi gắn đời với mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Theo anh Thái Thành Việt, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, sau khi thuê đất, anh Thường khởi nghiệp với cây dưa hấu những mong kiếm khoản thu nhập ban đầu để đầu tư dài hạn cho cây ăn quả. Không ngờ năm ấy dưa hấu vừa mất mùa vừa mất giá, mới “chân ướt chân ráo” khởi nghiệp làm ăn mà anh Thường đã bị lỗ mất 350 triệu đồng.
Câu chuyện anh Thường thuê đất 5% của UBND xã làm nông nghiệp đến tai ngành chức năng huyện Hoài Ân, thế là cán bộ HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân liền tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn anh đi theo hướng trồng bưởi hữu cơ với những chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương. Được hỗ trợ nhiều mặt, nhất là được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, anh Thường đồng thuận.
Sau khi triển khai trồng bưởi hữu cơ, anh Thường thấy xung quanh mình những đám bắp (ngô) phát triển rất èo uột bởi đất ở đây thiếu dinh dưỡng. Một phần do sợ quy trình canh tác của họ sẽ làm phơi nhiễm phân, thuốc hóa học sang mô hình hữu cơ của mình, một phần muốn tích tụ đất nên anh Thường đề nghị nông dân có đất xung quanh nhượng lại đất để anh canh tác, họ lấy đất tốt của anh để canh tác thuận lợi hơn. Họ đồng ý, thế là anh Thường tích tụ được thêm 1,5ha nữa, vị chi anh sở hữu được 3ha đất tại thôn Kim Sơn để trồng bưởi hữu cơ.
Cũng theo anh Việt, trước khi triển khai, ngành chức năng về lấy mẫu đất, mẫu nước tại diện tích đất anh Thường sẽ trồng bưởi hữu cơ mang về phân tích, đánh giá xem có đủ điều kiện đi theo hướng hữu cơ không. Kết quả cho thấy vùng đất này đủ điều kiện, thế là anh Thường tiến hành trồng 600 gốc bưởi da xanh.
“Để hình thành mô hình này, tôi được UBND huyện Hoài Ân hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống và 50% chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động. Hiện nay, đến giờ tưới tôi không cần có mặt tại vườn mà cây trồng vẫn không bị khát bởi hệ thống tưới được điều khiển bằng điện thoại thông minh”, anh Nguyễn Ngọc Thường chia sẻ.
Không chỉ tích tụ được cho riêng mình diện tích đất lên đến 3ha, anh Thường còn vận động nông dân trong vùng chuyển đổi cây trồng theo hướng hữu cơ. Hiện, tại thôn Kim Sơn – nơi trước đây được mệnh danh là vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” nay đã hình thành vùng trồng cây ăn quả và các loại rau, dưa theo hướng hữu cơ cùng 4ha bưởi da xanh, 2ha dừa xiêm và 4ha ổi lê và các loại rau dưa.
“Trong quy trình chăm sóc các loại cây trồng tôi tuyệt đối không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học. Khi cây trồng bị bệnh thì sử dụng các sản phẩm BVTV sinh học được nhập từ Italia và Nhật Bản đạt chuẩn Organic do HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân cung ứng. Để bồi bổ sức khỏe cho đất, tôi sử dụng phân bò, phân gà đã qua 4 tháng xử lý và mua cá vụn về phối trộn với men vi sinh, mật đường để bón cho cây trồng. Xung quanh vùng trồng bưởi tôi còn trồng hàng rào cây keo để làm vùng đệm đảm bảo an toàn sinh học cho mô hình”, anh Nguyễn Ngọc Thường chia sẻ.
Lấy ngắn nuôi dài
Để lấy ngắn nuôi dài, khi cây bưởi còn nhỏ, anh Thường trồng xen vào cây ổi lê và các loại rau, dưa. Hiện trên diện tích 3ha, anh trồng 600 gốc bưởi da xanh. Hiện diện tích bưởi đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Xen trong 600 cây bưởi, anh Thường trồng 600 cây ổi lê, 4.000 gốc dưa và các loại rau xanh, bí nụ. Do được trồng xen trong những cây bưởi hữu cơ nên 600 cây ổi lê và rau, dưa của của anh Thường cũng được chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, riêng bí nụ và rau xanh mỗi ngày vợ anh Thường hái mang ra chợ bán không đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Ý thức về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao nên khi biết rau, dưa của anh Thường trồng theo hướng hữu cơ, các nhà nội trợ tranh nhau mua. Riêng từ rau xanh, mỗi ngày anh Thường trung bình có thu nhập khoảng 500.000đ. Con của anh hiện đứa đang hoạt động trong ngành nông học ở Nhật Bản, đứa định cư ở Hàn Quốc nên khoản thu nhập từ rau, dưa mỗi ngày của anh Thưởng đủ để vợ chồng anh sinh hoạt, thậm chí còn có tích lũy để đầu tư cho vườn cây ăn quả.
Trước đây rau xanh vợ anh Thường phải mang ra chợ bán, nay người tiêu dùng đã biết tới và đến tận vườn tự cắt mua. Dưa hấu vỏ vàng ruột đỏ, dưa hấu vỏ đen ruột đỏ, dưa hấu vỏ xanh ruột vàng… của anh Thường được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu toàn bộ. Ổi lê của anh Thường cả mùa nắng lẫn mùa mưa đều có vị ngọt, giòn như nhau nên người tiêu dùng rất thích.
Những sản phẩm trong vườn của anh Thường còn được cung cấp cho hệ thống siêu thị và các cửa hàng rau sạch ở TP Quy Nhơn. Có lần lãnh đạo Công ty Cổ phần Kei’s Nhật Bản – đơn vị có cửa hàng rau hữu cơ tại TP Quy Nhơn (Bình Định) lên thăm và mê mẩn quy trình sản xuất rau hữu cơ của anh Thường.
“Bắc cầu” cho kiến vàng vào vườn bưởi
Những vườn cây ăn quả ở Hoài Ân đang phát triển mạnh, các nhà vườn hiện rất chú trọng nuôi dưỡng kiến vàng để diệt trừ các sinh vật gây hại, cân bằng môi trường sinh thái và đặc biệt là để cây trồng tránh được sâu bệnh, chủ nhà vườn không phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ. Người trồng bưởi ở Hoài Ân hầu như ai cũng nuôi trên mỗi cây bưởi 1 tổ kiến vàng với nhiệm vụ khống chế, tiêu diệt côn trùng, sâu hại, trong đó có loài kiến hôi, nhện, sâu vẽ bùa… thường làm sượng trái và mất nước.
Là “hậu bối” trong giới trồng bưởi hữu cơ ở Hoài Ân nhưng anh Thường cũng đã thấu đáo về lợi ích của kiến vàng và rất nỗ lực trong việc nuôi kiến vàng trong vườn bưởi của mình. Ban đầu, theo hướng dẫn của các bậc cao niên, anh Thường đến những vườn bưởi thâm niên ở Hoài Ân xin cắt những ổ kiến vàng mang về thả vào vườn bưởi của mình để nuôi. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả.
Bởi, sau 3 – 4 ngày là những chiếc lá bưởi mà lũ kiến làm tổ sẽ héo khô, rớt bung ra hết khiến lũ kiến bỏ đi. Cuối cùng, anh Thường nghĩ cách cột những sợi dây nối từ những ổ kiến vàng của vườn bưởi bên cạnh sang những cây bưởi trong vườn nhà mình. Cách làm này đã dẫn dụ được lũ kiến tự nguyện sang làm tổ trên những cây bưởi của anh Thường.
“Khi có kiến vàng, vườn cây gần như không còn các loại côn trùng, sâu hại. Vào thời gian cây bưởi ra hoa chuẩn bị đậu trái, tôi cho kiến vàng làm tổ, chuyền cành từ cây này sang cây khác để hạn chế các loại sâu bọ cắn phá hoa, đục hư trái…”, anh Nguyễn Ngọc Thường chia sẻ.
“Hiện mô hình của anh Thường đang trồng thử nghiệm nhiều giống rau có xuất xứ từ Nhật Bản như hẹ, đậu bắp… Những giống này do con trai của anh đang công tác bên Nhật gửi về. Chính quyền huyện có định hướng xây dựng từ mô hình của anh Thường thành trang trại rau hữu cơ để khách du lịch và học sinh trên địa bàn trải nghiệm”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết.