Ngày 23-4, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “220 năm quốc hiệu Việt Nam”.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nói rằng trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa phải là quốc hiệu chính thức.
Phải đến năm Giáp Tý, ngày Đinh Sửu 17-2 (nhằm 28-3-1804, tức 2 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi lập ra nhà Nguyễn), khi vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái miếu bên trong Hoàng thành đặt tên nước là Việt Nam.
Trong lời chiếu, nhà vua khẳng định: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa”.
Quốc hiệu này được vua Gia Khánh của nhà Thanh chấp thuận và ban cho vua Gia Long ấn tín “Việt Nam quốc vương” được đúc bằng vàng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng tuy vậy quốc hiệu Việt Nam dưới triều Nguyễn chỉ tồn tại 34 năm.
Sau 19 năm nối ngôi, lúc này đất nước đã mạnh lên, lãnh thổ được mở rộng, vua Minh Mạng đã ra chiếu đổi quốc hiệu thành Đại Nam mà không cần xin phép nhà Thanh vào năm 1838.
Quốc hiệu Đại Nam tồn tại suốt từ năm 1838 đến đầu tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, lúc này vua Bảo Đại mới ra chỉ dụ tuyên cáo độc lập và đổi tên nước thành “đế quốc Việt Nam”.
Quốc hiệu Việt Nam được tái sinh dưới triều Nguyễn nhưng chỉ tồn tại chưa tròn 6 tháng, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
“Quốc hiệu Việt Nam đã hồi sinh trong tư thế mới của thời đại”, ông Hoa nói.
Quốc hiệu Việt Nam gắn liền với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến – Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về việc quốc hiệu Việt Nam dưới triều Nguyễn gắn liền với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được các nước phương Tây lúc bấy giờ công nhận.
Theo đó, vào năm 1838, học giả Adriano Balbi cho xuất bản công trình khảo cứu địa lý có tên Địa lý giản lược, được biên soạn trên một kế hoạch mới phù hợp với những tiến triển hoàn chỉnh ổn định nhất và những khám phá gần nhất bằng tiếng Ý.
Ấn phẩm này có phần “O DI VIET – NAM” (đế chế Việt Nam), ghi rõ phần l’arcipelago di Paracels (quần đảo Hoàng Sa) thuộc Vương quốc COCHINCHINA (Vương quốc Đàng Trong).