Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân giảm gánh nặng, vực dậy phát triển rất cần các chính sách hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả từ Chính phủ và địa phương.
Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến của các chính trị gia, chuyên gia kinh tế tại Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (IPADS) phối hợp tổ chức tại Quảng Ninh mới đây.
Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tại Quảng Ninh là hoạt động đầu tiên của cộng đồng khoa học và doanh nhân Việt Nam hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho hay, Vòng tròn Chính sách nhằm liên kết những cá nhân, đơn vị uy tín, có năng lực hội tụ nguồn lực xã hội và nguồn lực tổ chức các hoạt động phối hợp công – tư, chủ động tham gia, hỗ trợ nguồn lực vào quá trình dự thảo chính sách, tổ chức hoạt động truyền thông chính sách. Sản phẩm truyền thông chính sách cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu chính sách và ứng dụng chuyển đổi số, bao trùm về xu hướng quốc tế, tầm nhìn Việt Nam và hành động địa phương, tổng hợp được hệ thống chủ trương, chiến lược, văn bản đã được ban hành liên quan đến chủ đề của chính sách. Từ đó chọn lọc được đúng nội dung cốt lõi, mục tiêu trong tâm, đúng đối tượng, đúng kênh truyền thông, đúng thời điểm.
Doanh nghiệp tư nhân đối mặt với nhiều gánh nặng
Thống kê cho thấy, hiện nay nước ta có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, nước ta phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 đạt khoảng 60-65% GDP.Những con số biết nói cho thấy vai trò quan trọng của nền kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước.
Đánh giá về khối doanh nghiệp tư nhân tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sau gần 40 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân phát triển rộng khắp trong cả nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước và góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước. “Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và được liên tục phát triển và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn, từ chỗ không được thừa nhận (trước Đổi mới) đến được thừa nhận và khẳng định “có vị trí quan trọng lâu dài” trong nền kinh tế nhiều thành phần, dần nâng cấp lên “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, do ảnh ảnh hưởng của “bão dịch”, khủng hoảng kinh tế và những bất ổn địa chính trị trên thế giới, doanh nghiệp tư nhân nước ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ suy thoái.
Chia sẻ cụ thể về câu chuyện này, theo bà Nguyễn Thy Nga – Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho hay, có thể thấy thời gian qua, Chính phủ thể hiện nhiều nỗ lực để củng cố niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp cả nước nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Tích lũy của doanh nghiệp trong nhiều năm cũng dần cạn, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động hoặc thậm chí phải ngừng hoạt động. Doanh nghiệp và nền kinh tế đã và đang phải chống chọi với các tác động bất lợi chưa từng có. Áp lực và thách thức dường như vẫn đè nặng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chính sách cần “sát” với thực tế và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đó, doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy, cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng các động thái chính sách, hàng lang pháp lý và hành động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năm 2024 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân. “Ở khía cạnh đó, tiếng nói thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và hệ sinh thái doanh nhân trẻ nói riêng trong hoạch định chính sách cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, sự phát triển của quốc gia là vô cùng cần thiết”, ông Vinh nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đồng thời kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư, chiến lược phát triển kinh tế tư nhân phải nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế Quốc gia và Chiến lược phát triển Việt Nam; Sản phẩm chính sách cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu chính sách, bao trùm về xu hướng quốc tế, tầm nhìn Việt Nam và hành động địa phương, tổng hợp được hệ thống chủ trương, chiến lược, văn bản đã được ban hành liên quan đến chủ đề của chính sách, từ đó chọn lọc được đúng nội dung cốt lõi, mục tiêu trọng tâm, đến đúng đối tượng, đúng kênh truyền thông, đúng tính thời điểm.
Đáng chú ý, giải đáp vấn đề đưa chính sách ra cuộc sống, TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia Kinh tế – Cố vấn cao cấp Vòng tròn Chính sách cho rằng, thực tế cho thấy, trong một số trường hợp chúng ta đưa chính sách ra cuộc sống không thành công bởi đã đặt chính sách đối lập với cuộc sống. Gốc rễ của vấn đề chính là nhiều chính sách của chúng ta không bắt nguồn từ cuộc sống hoặc ít nhất là chưa bắt nguồn từ cuộc sống. Quy trình làm chính sách của chúng ta khá phức tạp, dài dòng và nhiều nội dung quy trình cơ chế, tưởng là chặt chẽ, nhưng chưa ổn. Do đó, khi ban hành chính sách phải đánh giá rất kỹ tác động của chính sách đến đời sống. Mỗi một chính sách, đặc biệt là chính sách kinh tế vĩ mô luôn luôn có tác động xuôi chiều, tác động tích cực và tác động ngược chiều, thậm chí là tiêu cực. Chúng ta phải cân nhắc khi đánh giá cả tích cực và tiêu cực và lựa chọn cái ít tiêu cực, nhiều tích cực hơn.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy phục hồi kinh tế – xã hội nhanh và phát triển bền vững.
Theo Tố Uyên/VTV