Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp
Tại xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) hiện nay đang nở rộ lên phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Qua sự giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình anh Bùi Văn Đông (trú tại thôn 11, xã Đăk Hring). Đây là một trong những người tiên phong áp dụng phương thức nông nghiệp vào vườn cây ở xã này.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Đông cho hay, trước đây gia đình sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, sử dụng đa phần phân bón hóa học. Tuy nhiên, anh nhận thấy rằng, việc sử dụng phân bón hóa học khiến đất đai bị chai hóa, bạc màu kéo theo năng suất cây trồng bị giảm sút.
Chứng kiến điều đó, anh Đông đã suy nghĩ đến việc phải thay đổi sang phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Năm 2020, ừ việc tìm hiểu qua sách vở và mạng xã hội, anh Đông tìm mua nguyên liệu như các chế phẩm men vi sinh, cá tạp, rỉ mật mía…rồi ủ lên men làm phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, thành quả thu được không đạt được như anh kỳ vọng.
“Sau khi ủ lên men thành phẩm thì bốc mùi hôi thối rất nặng. Hàng xóm nhiều lần phản ánh với gia đình tôi. Họ còn cười chê tôi là “dở hơi” khi mà sản xuất phân bón theo cách đó. Điều này khiến gia đình cũng có đôi chút nản lòng”, anh Đông tâm sự.
Khoảng hơn 1 năm sau, thông qua sự giới thiệu của bạn bè, anh biết đến phương pháp chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ từ chế phẩm IMO để mang lại hiệu quả cao.
Kể từ đó, anh lặn lội xuống thăm qua các vườn cây tại Gia Lai để tìm tỏi, học hỏi phương pháp chế biến phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO gốc.
“Để làm chế phẩm IMO gốc, tôi dùng các phụ phẩm sẵn có ở trong vườn như đu đủ, chuối, bí đỏ…rồi hoàn trộn với sữa chua, men rượu, men tiêu hóa, rỉ mật mía, bia và nước sạch rồi sau đó ủ trong vòng từ 1-2 tuần. Nếu ủ càng lâu thì thành phẩm sẽ càng chất lượng”, anh Đông nói.
Khi đã làm ra được chế phẩm IMO gốc, anh Đông pha trộn theo 1 tỷ nhệ nhất định. Thông thường, anh sẽ pha trộn 1 lít IMO gốc với 40 lít nước rồi bón cho cây trồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trong vườn như: cỏ, cây, vỏ cà phê… để tăng dinh dưỡng cho cây trồng.
Hiện tại, ông Đông đang sở hữu vườn cây với diện tích 5 ha, bao gồm 1 ha cà phê và 4 ha chuối tiêu hồng. Tính riêng chuối tiêu hồng, mỗi năm gia đình anh mang về nguồn thu nhập lên đến cả tỷ đồng.
Tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất
Theo anh Đông, nếu sử dụng phân hóa học cho 1 ha chuối hoặc cà phê, người dân phải bỏ ra từ 100-130 triệu đồng. Trong khi đó, với phương pháp chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ từ chế phẩm IMO, gia đình anh chỉ đầu tư hết khoảng 50 triệu đồng/ha trong 1 năm. Đồng thời, anh còn nuôi thêm 10 con bò để lấy phân để ủ bón cho cây trồng.
“Sản xuất theo phương pháp này được nhiều cái lợi. Đầu tiên là chi phí sản xuất giảm đáng kể so với phương thức truyền thống. Thứ 2 là nó cho giúp cho đất thêm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Nếu lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vật thực vật thì các chất dinh dưỡng trong đất sẽ dần mất đi kéo theo ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và mọi người xung quanh”, anh Đông lý giải.
Bên cạnh đó việc sử dụng chế phẩm IMO để bón cho cây trồng, anh Đông còn có cách chăm sóc theo hướng hữu cơ bằng cách để cỏ mọc tự nhiên xung quanh các gốc cây. Khi nào cỏ mọc quá cao thì anh sẽ dùng dao để phát phần ngọn đi. Làm như vậy, mục đích để tạo cho vi sinh vật phát triển tự nhiên, qua đó giúp cây sinh trưởng tốt hơn.
“Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là một hướng đi an toàn và bền vững trong tương lai vì nó tạo được sự phát triển ổn định cho cây trồng và sức khỏe của con người”, anh Đông khẳng định.
Từ hiệu quả của các làm này, hàng chục hộ dân lân cận đã tìm anh Đông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Vũ Văn Khái (trú tại thôn 10, xã Đăk Hring) chia sẻ, trước đây gia đình anh sử dụng phân bón hóa học cho vườn cây của gia đình. Tuy nhiên, chi phí khá cao trong khi năng suất cây trồng càng ngày càng sụt giảm, đất đai bị hư hại.
Tình cờ thăm quan và nhìn thấy vườn cây của gia đình anh Đông xanh tốt, ít bị sâu bệnh nên anh Khái đã biết đến việc sử dụng chế phẩm IMO.
“Sau khi học hỏi, làm theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ của anh Đông, vườn cây của gia đình tôi phát triển xanh tốt anh và chi phí sản xuất giảm đi đáng kể. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm này cho nhiều bà con trong vùng để cùng nhau lan tỏa”, anh Khái nói.