Lãnh đạo Vincom Retail cho biết công ty hiện không có ý định đổi tên, dù không còn là công ty con của Vingroup và có nhóm cổ đông mới tham gia.
Sáng nay, Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) tổ chức phiên họp thường niên năm 2024. Ảnh hưởng từ việc thoái vốn của Vingroup, định hướng của nhóm cổ đông mới hay kế hoạch đổi tên doanh nghiệp là những vấn đề được cổ đông quan tâm.
Đầu tháng 4, Vingroup thông báo chuyển nhượng 55% vốn điều lệ Công ty Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI sở hữu 99% vốn Công ty Kinh doanh Thương mại Sado – cổ đông lớn nắm 41,5% vốn của Vincom Retail (VRE). Sau giao dịch, Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup.
“Công ty có ý định đổi tên, loại bỏ yếu tố ‘Vin’ trong tên gọi sau khi Vingroup thoái vốn hay không?”, một cổ đông nêu ý kiến.
Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền – người vừa được bổ nhiệm lại vị trí CEO hôm qua – khẳng định “Vincom Retail đến hiện tại không có ý định đổi tên”, bởi đối với người tiêu dùng Vincom là thương hiệu có giá trị cao.
Theo Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Mai Hoa, thương hiệu Vincom Retail không chỉ có giá trị mà còn là niềm tự hào, gắn với lịch sử 20 năm của chuỗi trung tâm thương mại đầu tiên.
Vincom là hệ thống các mô hình trung tâm thương mại cùng thương hiệu do Vincom Retail quản lý, được tách ra từ Vingroup. Công ty này cũng là một trong những pháp nhân đầu tiên sau khi doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đổi mô hình hoạt động sang tập đoàn.
“Tôi nghĩ nhiều khách hàng cũng sẽ có cảm xúc này, khi nhớ về trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu khai trương 20 năm trước”, bà Hoa nói và thêm rằng, cho tới thời điểm này thì cái tên Vincom vẫn gắn bó với công ty.
Trước câu hỏi về mối quan hệ giữa Vincom Retail và Vingroup sau khi thoái vốn, đại diện VRE cho biết trong các dự án đã đặt cọc với Vingroup, Vinhomes, các chính sách ưu đãi cho Vincom Retail vẫn được giữ nguyên.
“Vingroup sẽ tiếp tục song hành với Vincom Retail và chuỗi trung tâm thương mại Vincom vẫn song hành với hệ sinh thái Vingroup”, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Mai Hoa cho hay.
Về vai trò của nhóm cổ đông mới, bà Hoa cho biết, những cổ đông mới không có kinh nghiệm trực tiếp về mảng trung tâm thương mại, nhưng họ có kinh nghiệm về bán lẻ.
“Những nhà bán lẻ là yếu tố quyết định thành công của mô hình trung tâm thương mại. Kinh nghiệm phát triển bán lẻ của những cổ đông mới có thể chia sẻ cho Vincom Retail, đồng thời là kinh nghiệm về quản trị, điều hành”, Phó chủ tịch Vincom Retail nói.
Bên mua cổ phần SDI – công ty gián tiếp nắm 41,5% vốn của Vincom Retail – từ Vingroup là bốn doanh nghiệp mới, gồm Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc (sở hữu 16% vốn SDI), Công ty Đầu tư và Phát triển Falcon (12,5%), Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Emerald (10,5%) và Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh NP (16%).
Ông Nguyễn Hoài Nam, cổ đông cầm 90% vốn Công ty Đầu tư Kinh doanh NP, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam cũng được đề cử vào HĐQT Vincom Retail, khi công ty này đề nghị miễn nhiệm hai thành viên khác là Lê Mai Lan và Chủ tịch Hội đồng quản trị Thái Thị Thanh Hải.
Năm 2024, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 4.420 tỷ đồng. Trong các năm tới, Vincom Retail định hướng phát triển các trung tâm thương mại cỡ lớn – Vincom Mega Mall – nằm trong các đại dự án với lượng dân cư lớn.
Tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này khai thác và vận hành hệ thống 83 trung tâm thương mại thương hiệu Vincom trên cả nước, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 1,75 triệu m2. Năm nay, công ty dự kiến khai trương thêm 6 trung tâm thương mại mới, nâng tổng số lên 89 trung tâm thương mại tại 48 tỉnh thành.
Minh Sơn