Chiều 22/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Cùng dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu. Thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án Luật
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010).
Dự thảo Luật có các quy định mới như quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn…
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Dự thảo Luật quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hoá 05 nhóm chính sách được thông qua; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách mới, có tác động đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng ngân sách nhà nước; mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản; tiếp tục rà soát dự thảo Luật với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế tài nguyên; rà soát với các dự thảo luật khác đang được trình Quốc hội như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; rà soát với hiệp định về quản lý biên giới trên đất liền; bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện Luật theo quy định.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các nội dung sửa đổi; sự phù hợp, tương thích của Luật với các luật có liên quan, tính khả thi của các quy định; về hình thức, nội dung văn bản, hồ sơ dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như các quy định chung về chiến lược, quy hoạch địa chất khoáng sản; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; điều tra cơ bản; khu vực khoáng sản, hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản; Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản, bảo vệ môi trường; tài chính về địa chất và khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp quyền khai thác khoáng sản…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Địa chất và khoáng sản, thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội. Trong đó lưu ý: tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đề nghị rà soát phạm vi dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật; bổ sung đầy đủ hồ sơ dự án Luật, đánh giá tác động đầy đủ đối với các chính sách mới, hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành; bổ sung các nội dung mà cơ quan thẩm tra đề nghị giải trình, làm rõ, nghiên cứu tiếp thu như: quy hoạch khoáng sản, nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất, bổ sung tiêu chí điều kiện lựa chọn tư vấn, cơ quan phê duyệt kết quả khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, về giấy phép thăm dò khoáng sản, nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép; lưu ý các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển, cụ thể các trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…Rà soát các quy định về phân loại khoáng sản; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất chưa khai thác.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Đồng thời, tiếp tục rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định; rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm khả thi, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo làm rõ một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng dự phiên họp.
Bảo Yến – Phạm Thắng – Cổng TTĐT Văn phòng Quốc hội