Phải đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ
Đánh giá cao cách làm của UBND TP. Hà Nội trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, ĐBQH khóa XIII gọi đây là “điểm sáng” trong việc thực hiện cũng như đẩy nhanh dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Bà An nhận xét: “Thời gian qua, TP. Hà Nội đã làm rất tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Vành đai 4. Chính sự linh động trong việc xin cơ chế đặc thù cho những trường hợp đặc biệt của các địa phương đã khiến nhân dân hài lòng hơn. Tuy nhiên, vì thị trường đất đai không ổn định, giá đất đang tăng cao khiến những nông dân thuộc diện tái định cư gặp nhiều khó khăn khi mức chênh lệch giữa nơi đi và nơi đến quá lớn (có địa phương giá chênh gấp đôi).
Để khắc phục điều này, theo PGS. TS Bùi Thị An: các cấp chính quyền cần tiếp tục nghiên cứu, vào cuộc để đồng hành với người dân, thống nhất mức đền bù hợp lý nhất giúp người dân bớt khó khăn, bớt thiệt thòi và cống hiến nhiều hơn cho địa phương, cho xã hội. Bên cạnh đó, TP cũng cần rà soát, đánh giá lại thực trạng những trường hợp người dân bị thu hồi đất. Không phải đưa họ tới khu tái định cư, xây nhà cửa khang trang là xong, mà cần quan tâm cuộc sống mưu sinh hiện tại cũng như tiếp theo của họ sẽ như thế nào? Có gì khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ không?
“Đất Hà Nội có nhiều điểm đặc thù khác những nơi khác nên việc áp giá theo đúng quy chuẩn của Nhà nước phải nói là rất khó. Tôi đề nghị TP. Hà Nội nên nghiên cứu cơ chế đặc thù và đưa vào Luật Thủ đô vấn đề giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm. Thủ đô có những cái được vượt trội, có những cái được xé rào, có những cái được ưu tiên” – PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, ĐBQH khóa XIII.
“Chúng ta mới đang chỉ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư mà chưa xem xét một cách tỉ mỉ, rõ ràng và căn cơ đối với tất cả những người dân bị ảnh hưởng của dự án Vành đai 4. Cuộc sống tiếp theo cũng những cư dân này chính là nền tảng để chúng ta thực hiện những chính sách an sinh một cách có ý nghĩa, đúng đối tượng. Cần luôn luôn ghi nhớ và đảm bảo cuộc sống tái định cư của người dân phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ” – bà An nhấn mạnh.
Thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền
Ngay sau khi có Chỉ thị của UBND TP. Hà Nội về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4, Ban Thường vụ Hội Nông dân TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch thực hiện, đồng thời tổ chức 18 lớp tuyên truyền có nội dung về việc thực hiện giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4.
“Chúng tôi xác định, công tác tuyên truyền về Dự án đường Vành đai 4 là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm, do đó đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo của Hội tham mưu các nội dung tuyên truyền, đồng thời hàng tháng tổ chức các Hội nghị giao ban để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên – những người có diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng đường Vành đai 4, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của Dự án” – bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội chia sẻ.
Trên địa bàn TP. Hà Nội, dự án Vành đai 4 đi qua 7 quận, huyện với tổng chiều dài 58,2km. Tổng diện tích đất phải thu hồi là 798,01ha, số hộ bị thu hồi đất là 16.633 hộ, số hộ tái định cư là 1.006 hộ.
Theo đó, Hội Nông dân của 6 huyện đã chủ động chỉ đạo Hội Nông dân 39 xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở thôn nắm tình hình tư tưởng, dư luận của người dân cũng như hội viên nông dân xung quanh việc đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 nói chung và công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nói riêng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã kịp thời tham mưu cấp uỷ chỉ đạo giải quyết khi có tình huống phát sinh, tổ chức các cuộc tọa đàm để tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của người dân; trả lời những nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Hội cũng đã phối hợp với các cấp ngành tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với việc thực hiện dự án, nhất là về công tác quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, tái định cư… đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân.
Nói về những giải pháp trợ giúp hội viên nông dân tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống sau thu hồi đất, bà Phạm Hải Hoa nhấn mạnh: “Thời gian tới, Hội Nông dân Hà Nội sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác vận động hội viên nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng. Tổ chức tốt hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành làm tốt công tác dạy nghề, chuyển nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân vùng thu hồi đất giải phóng mặt bằng”.
Tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn lực mới
Là địa phương có dự án đường Vành đai 4 đi qua, ngay sau khi có các kế hoạch tuyên truyền của Hội Nông dân TP. Hà Nội, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền tại 5 cơ sở – những nơi ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án Vành đai 4 – đặc biệt là tuyên truyền để hội viên nông dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm báo đúng tiến độ của Dự án.
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay: “Hầu hết các hội viên nông dân đều đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Đối với việc trợ giúp những hộ dân mất sản xuất, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên. Tuy nhiên, trong thời gian đó thì Hội vẫn tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, đó là hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới”.
Năm 2024, Hội Nông dân Đan Phượng đã phát động thi đua trong toàn thể cán bộ, hội viên nông dân và các cấp Hội Nông dân trên địa bàn với chủ đề: “Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng chính là hướng đi chủ lực của chúng tôi giúp các hội viên, đặc biệt là những hội viên có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi sớm tiếp cận các nguồn lực, chương trình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, kinh doanh” ông Son nhấn mạnh.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: “Trên thực tế, việc thu hồi đất tập trung phần lớn vào đất canh tác nông nghiệp và vùng đông dân cư, tập trung vào một số xã, nhất là ở vùng ven khu đô thị lớn (khoảng 70-80%). Tính chung đất nông nghiệp bị thu hồi tuy chiếm tỷ lên nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng lại gây mất việc làm cho người lao động, thậm chí tạo áp lực rất lớn tác động đến kinh tế – xã hội của địa phương. Chưa kể qua nhiều lần thu hồi đất thì không thể nói “tỷ lệ nhỏ” được.
Không còn đất sản xuất đồng nghĩa với việc nông dân sẽ “thất nghiệp”, đó là ảnh hưởng trực tiếp về kinh tế, kéo theo đó là hàng loạt các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày cũng ảnh hưởng theo như: việc học hành của con trẻ, việc tái đầu tư cho tương lai… Và khi đã tách biệt về kinh tế sẽ có sự tách biệt về xã hội, khoảng cách giàu nghèo giãn rộng hơn, người nông dân cũng mất nhiều cơ hội tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.