Và Huy đã có một đêm độc tấu đẹp đẽ, nên thơ giữa tháng 4-2024 để chia sẻ niềm vui điều ước thành sự thật với những người thương quý đã dõi theo các chuỗi đọc tấu tâm huyết của Thế Huy suốt hơn hai năm qua.
Niềm vui kiên trì với chuỗi độc tấu
Vẫn khán phòng nhỏ nhắn, ấm cúng với một nghệ sĩ đệm đàn piano và Thế Huy vừa hát vừa dẫn dắt suốt chương trình, khán giả có dịp lần đầu thưởng thức một độc tấu thanh nhạc cổ điển kết hợp chất liệu văn học Hán – Nôm thú vị.
21 tác phẩm thuộc trường phái âm nhạc lãng mạn, ấn tượng của Pháp, Đức, Ý, Anh cùng các ca khúc Việt Nam đã được Huy kết nối khéo léo qua những ý tưởng dựa theo tác phẩm văn học và bản dịch chuyển ngữ nên thơ…
Đêm độc tấu còn có sự góp mặt của tiến sĩ – giảng viên Na Yoon Baek (giọng nữ cao trữ tình đến từ Hàn Quốc), nghệ sĩ piano Lê Phạm Mỹ Dung và Vũ Văn Tư.
Như mọi khi, giọng nam cao 9X dành nhiều thời gian để nghiên cứu tỉ mỉ từng tác phẩm, tác giả, chuyển ngữ thơ, in ra tuyển tập nhỏ, chọn những mẩu chuyện hấp dẫn nhất kể trên sân khấu để khán giả dễ hiểu, dễ gần và dễ cảm sâu hơn về từng màn trình diễn.
Đầu tư vậy bởi Huy luôn tâm niệm nghệ thuật không thể “bán sỉ” mà cần chỉn chu.
Hình thức độc tấu ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến, khán giả chịu đến nghe một nghệ sĩ thính phòng trẻ diễn cả chương trình đã là một sự ưu ái và rất mở lòng…
Qua từng chương trình, có thể thấy Huy ngày càng tự tin, chuyên nghiệp và trưởng thành hơn.
“Làm nhiều thì độ chín sẽ tới”, giọng nam cao trẻ dẫn dắt “còn vụng về, xanh và non” ngày nào nay đã thong dong và càng duyên dáng trên sân khấu.
Với Huy, đó cũng là điều tâm đắc về độc tấu: giúp nghệ sĩ duy trì động lực, nâng cao chuyên môn, trau dồi bản lĩnh sân khấu và gần gũi hóa nhạc cổ điển.
Hơn hai năm ghi dấu ấn với chuỗi hơn 10 độc tấu thanh nhạc cả dành cho công chúng và riêng tư, điều đáng quý là Huy vẫn giữ được sự hăm hở của một nghệ sĩ trẻ luôn đam mê và thật thà với những giấc mơ của mình.
Đó có lẽ cũng là sức hút giúp giọng nam cao 9X này dễ dàng chạm đến khán giả qua từng đêm diễn và có thêm những người nghe mới cho riêng mình.
Cảm động hơn, Huy còn được tiếp thêm năng lượng từ phản hồi của những bạn trẻ yêu cổ điển khác, rằng sự can đảm dám “chịu lỗ” tự đầu tư theo đuổi đam mê, không ngừng học hỏi của Huy đã trở thành nguồn cảm hứng đầy nhiệt huyết.
Vì cũng có không ít bạn rất yêu cổ điển nhưng tốt nghiệp ra trường lại đành tạm gác ước mơ hoặc rẽ sang hướng khác vì sức ép của cuộc sống… Trên hành trình nhọc nhằn đó, thật trân trọng khi giữ được lòng kiên trì và không bỏ cuộc.
Đuổi theo một “giấc Trang Chu”
Tháng 5 tới, Huy sẽ sang Úc du học. Ánh mắt bạn lấp lánh tự hào khi kể về hành trình mới đầy hứng khởi. Huy dự định dành bốn năm học Classical Voice và sau đó học tiếp Opera Performance tại Nhạc viện Sydney ở Úc.
“Vì giấc mơ “bay bổng nhất” của Huy là trở thành một nghệ sĩ opera quốc tế thực thụ, nghĩa là phải có vai và diễn thường xuyên trong những vở opera chuyên nghiệp tại nhà hát lớn, được khán giả nhớ mặt nhớ tên với vai diễn của mình.
Còn hiện tại, Huy mới thỉnh thoảng hát vài trích đoạn opera nhỏ xíu, chỉ là một ca sĩ thính phòng thôi…” – Thế Huy cười.
Trong đêm độc tấu “cùng mơ một giấc Trang Chu”, Huy cũng cẩn thận giải thích để khán giả không nhầm lẫn.
Bạn hiểu rõ mình hãy còn một chặng đường rất dài, tương lai đi được đến đâu cũng không dám chắc. Nhưng còn yêu, còn mê học hỏi và vẹn nguyên hăm hở, vậy cứ mơ và cứ làm thôi!
Cũng như lúc một mình sang Úc thi tuyển, đứng giữa bao bạn bè quốc tế từ Mỹ, châu Âu, châu Á… có cả đại gia đình theo ủng hộ, Huy thấy mình bé nhỏ, đơn độc và áp lực khi là thí sinh Việt Nam duy nhất nhưng vẫn mạnh dạn lên thi.
Huy đã kể về ước mơ của mình, về Việt Nam, về nhiều nghệ sĩ cổ điển trẻ dẫu cuộc sống thực tế còn chật vật, chưa nhiều đất diễn, chưa nhiều khán giả… vẫn nỗ lực theo nghề, và có một thị trường âm nhạc cổ điển non trẻ vẫn đang đi lên.
Thế Huy
Vậy còn những khán giả quen với recital của Thế Huy thì sao? Đi du học lâu thế khi đang làm tốt, Huy không tiếc à?
Hay trước khi đi, Huy làm thêm một đêm độc tấu nữa? Đứng trước những quan tâm đó, Huy chỉ cười. Huy không dám hứa vì mỗi đêm độc tấu phải đầu tư lâu lắm.
Nhưng Huy mong vẫn sẽ về Việt Nam thường xuyên nhất có thể, vẫn giữ những dịp hẹn cùng khán giả, đủ sức thì làm thêm độc tấu ở Úc, cố gắng vừa học vừa hiện thực hóa giấc mơ opera ở… nhà hát “con sò” (biết đâu đấy)!
Vì với Huy, mơ là để hy vọng và tin tưởng, để được đánh thức những hoài bão rực rỡ nhất từ lúc ban đầu, và để thực hiện!