Để có chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trong suốt 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm” nhưng “gan không núng, chí không mòn”. Chúng tôi xin kể lại sự hy sinh của các chị, các anh, để tôn vinh những anh hùng liệt sĩ và giá trị của hòa bình hôm nay.
“Lao lên thật nhanh, không lừng khừng”
Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo là 3 cụm cứ điểm phía bắc trung tâm đầu não của quân Pháp ở Mường Thanh và được coi là “cánh cửa bất khả xâm phạm”. Chiều 13.3.1954, pháo binh của Đại đoàn Công pháo 351 (tiền thân của Binh chủng Pháo binh) được lệnh nổ súng vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Phạm Văn Nhâm (nguyên Tiểu đội trưởng bộc phá, Đại đội 245, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312) kể: “19 giờ ngày 13.3.1954, chúng tôi áp sát cụm cứ điểm Him Lam. Gần 22 giờ, tôi được lệnh chỉ huy tiểu đội bộc phá tiếp tục lên phá hàng rào, tạo cửa mở. Tình thế rất căng thẳng vì ta hy sinh nhiều”. Tôi bảo: “Nằm tại chỗ cũng chết, chỉ còn cách lao lên thật nhanh, không lừng khừng”.
“Chúng tôi chạy thẳng từ chỗ nằm vào hàng rào, vượt qua rất nhiều thương binh nằm la liệt. Chúng tôi chạy lên đặt bộc phá, giật kíp nổ rồi chạy ngược về dưới làn đạn địch. Mỗi lần lên chỉ một người. Chúng tôi đánh hết bộc phá xoắn của tiểu đội, phải lấy bộc phá của thương binh đánh tiếp, tổng cộng 37 quả và gần 1 tiếng sau mới mở hết 20 m hàng rào cuối cùng.
22 giờ 30, cả 3 cứ điểm tại Him Lam bị tiêu diệt, tiểu đội tôi 16 người thì hy sinh 6, bị thương nặng 3, còn lại không ai lành lặn”, ông Nhâm nhớ lại.
14 giờ ngày 14.3.1954, pháo 105 của ta đồng loạt nã đạn vào cứ điểm Độc Lập. Ông Đinh Văn Định (nguyên cán bộ tác huấn Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) kể: “Khi đánh, anh em bộc phá loay hoay gần 2 tiếng mới phá được hàng rào, tạo cửa mở. Về sau mới biết là mở lệch hướng, không dứt điểm nhanh, nên pháo địch cứ chỗ ấy phang vào. Tiểu đoàn trưởng Vũ Như bảo tôi: “Cậu chạy xuống lấy 20 quả bộc phá lên đánh tiếp, không thì chết nữa”. Có bộc phá rồi, chỉ nghĩ sao đánh được, chứ không nghĩ đến cái chết”. Tôi không nhớ cụ thể bao nhiêu người hy sinh, chỉ biết thương vong nhiều lắm. Khi đánh xong Độc Lập, về hậu cứ gặp anh nuôi, cậu ấy cứ ngồi khóc “không ai về nhận cơm nữa rồi”…
Ngay sau khi cứ điểm Độc Lập bị tiêu diệt, ông Lê Văn Đôi (khi ấy là trưởng ban địch vận của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) và ông Đại Đồng (cán bộ tuyên huấn Trung đoàn 88) là những người giỏi tiếng Pháp, được lệnh thuyết phục một tù binh mang thư vào dụ hàng địch đóng ở cứ điểm Bản Kéo. Chiều 17.3.1954, toàn bộ 264 binh lính thuộc Tiểu đoàn Thái số 3 đóng ở Bản Kéo, đã đầu hàng ta.
Bi hùng Pe Luông
Sau khi đập tan phân khu Bắc, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây xung quanh các cứ điểm ở 2 phân khu còn lại là trung tâm Mường Thanh và nam Hồng Cúm. Từ trung tuần tháng 3.1954, Đại đội 78 (Tiểu đoàn 387 súng máy phòng không 12,7 mm thuộc Sư đoàn 308) triển khai trận địa ở hướng tây Mường Thanh, khống chế máy bay địch, yểm hộ các đơn vị bộ binh đào giao thông hào bao vây, đánh lấn…
Sáng sớm 28.3.1954, quân Pháp chọc thủng tuyến bảo vệ phía trước. Toán lính đi đầu buộc cờ trắng vào đầu súng, giả vờ đầu hàng, tiến vào sát trận địa của Đại đội 78. Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ hô bằng tiếng Pháp, yêu cầu đứng lại, hạ súng đầu hàng. Lập tức toán lính quay súng bắn vào bộ đội ta.
Theo lệnh của đại đội trưởng, cả 4 khẩu 12,7 mm của Đại đội 78 hạ nòng diệt địch và chặn mũi tiến công bằng xe tăng, bộ binh phía sau. Chỉ khi hết đạn và đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ, chính trị viên Ngô Hạnh Phúc cùng nhiều chiến sĩ hy sinh, địch mới tràn được vào trận địa. Những người còn lại của Đại đội 78 đã kiên cường đánh giáp lá cà và cùng hy sinh.
Trong ký ức của mình, ông Lê Đình Thỉnh (nguyên Đại đội phó Đại đội 78), người duy nhất sống sót do hôm đó về hậu cứ lo việc tiếp tế, kể: “Trận địa cách hậu cứ chỉ 3 km, nhưng đường dây điện thoại bị đứt. Buổi chiều, chúng tôi nhận được tin, lên ngay thì thấy anh em hy sinh. Khi đưa về hậu cứ, phải lấy ống tre khắc họ tên liệt sĩ, cắm lên các ngôi mộ”.
Ông Lê Văn Huỳnh (nguyên Trung đội phó thuộc Đại đội 241, Tiểu đoàn 387, Sư đoàn 308), vẫn nhớ rất rõ buổi chiều 28.3.1954, dẫn đơn vị sang khắc phục hậu quả chiến đấu ở trận địa bản Pe Luông của Đại đội 78: “Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ vẫn đứng áp người vào thành công sự, đầu gục xuống. Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc nằm dưới hào, đầu quấn băng to xù, tay để lên trán như đang nằm ngủ…”.
“Dấu tích để lại thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của các anh. Chúng tôi không ai nói với nhau điều gì, nhưng thâm tâm ai cũng nghĩ quyết chiến đấu đến cùng để giải phóng Điện Biên”, ông Huỳnh kể. (còn tiếp)
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tri ân chiến sĩ Điện Biên
Ngày 21.4, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác của T.Ư dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1 và thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu nguyện phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Sau chương trình tri ân các chiến sĩ Điện Biên, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
TTXVN
Chồng hy sinh, vợ bị thương
“Trong chiến dịch, có ngày chiến đấu liên tục, thương binh về đông, chúng tôi phải phẫu thuật hết ca này đến ca khác. Đứng cả ngày, sưng hết chân. Tôi nhớ mãi một đồng chí trung đội phó bị thương vào tim. Khi hấp hối, anh nhờ tôi nhắn tin về cho vợ và 2 con nhỏ ở quê. Sau đó mấy tuần, chúng tôi cấp cứu cho một chị dân công bị thương vào đùi do máy bay ném bom. Trước khi mổ, trò chuyện thì chị ấy bảo anh chồng đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ mấy tháng nay không có tin. Khi chị nói tên và đơn vị của chồng, thì lại đúng là anh trung đội phó đã hy sinh. Thương lắm, nhưng tôi không nói vì sợ chị ấy sốc. Chúng tôi tập trung cứu chữa và ca mổ thành công, cứu được chị ấy”…
Ông Lê Công Thuần, y tá Trạm Z20, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304
Thanhnien.vn