Tại buổi họp báo, Bộ TT-TT đã công bố kết quả các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam. Được biết, đây cũng là lần đầu tiên Bộ TT-TT tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua gần đây.
Chia sẻ thông tin tại họp báo, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) cho biết trong tháng 3 vừa, Bộ TT-TT đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G. Theo đó, Viettel trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600MHz) với giá 7.533.257.500.000 đồng (bảy ngàn năm trăm ba mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm ngàn đồng, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính); Tập đoàn VNPT trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581.892.500.000 đồng (hai ngàn năm trăm tám mươi mốt tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm ngàn đồng).
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá nên theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định nên cuộc đấu giá không thành.
Theo ông Lê Văn Tuấn, sau khi đấu giá từng khối, Cục Tần số vô tuyến điện đều theo dõi các nguồn tin từ báo chí và ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế. Kết quả cuộc đấu giá giúp doanh nghiệp có được tần số để triển khai dịch vụ viễn thông băng rộng. Sau khi 2 khối tần số vừa đấu giá được cấp cho doanh nghiệp, lượng tần số cấp cho thông tin di động đã tăng lên 59% so với hiện nay.
“Lượng tần số tất cả các doanh nghiệp đang được cấp là 340MHz, riêng trong 2 cuộc đấu giá thành công vừa qua đã cấp thêm 200MHz. Với lượng băng tần bổ sung thêm, chắc chắn chất lượng dịch vụ băng rộng di động sẽ tăng lên”, Cục trưởng Lê Văn Tuấn khẳng định.
Với khối tần số C3 đấu giá không thành, theo quy định của Nghị định 63, giá khởi điểm của khối băng tần C3 sẽ là giá doanh nghiệp đấu băng tần C2 đã trả. Tức là sau khi VNPT được cấp phép, giá VNPT trả được chính thức sử dụng làm giá khởi điểm cho việc đấu giá lại khối băng tần C3.