Lá lốt là loại thực phẩm dân dã nhưng tốt cho sức khỏe. Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, lá lốt cũng được coi là vị thuốc trong Y học cổ truyền. Vậy, uống nước lá lốt hàng ngày có tốt không?
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm, hoặc làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon như canh, nướng, xào, rán.
Ngoài là thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Khi biết sử dụng lá lốt đúng cách, liều lượng phù hợp với cơ địa của mỗi người thì lá lốt trở thành vị thuốc rất tốt. Dùng quá liều lượng có thể gây độc cho cơ thể.
Trong 100g lá lốt sẽ chứa 39 calo, 86,5g nước, 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C. Phần rễ của lá lốt chứa benzyl axetat và phần lá, thân chứa alkaloid và beta-caryophylen.
Theo y học cổ truyền, lá lốt vị cay, mùi thơm, tính ấm, tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Chủ trị các chứng phong, hàn, thấp, tê bại chân tay, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, nôn mửa, tiêu chảy, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng, chảy mồ hôi.
Uống nước lá lốt hàng ngày có tốt không?
Theo các chuyên gia, nước lá lốt chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh không thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.
Phụ nữ đang cho con bú không nên dùng lá lốt quá nhiều để tránh làm mất sữa hay loãng sữa.
Người bị nóng gan, đau dạ dày, nhiệt miệng cũng không nên dùng lá lốt để tránh bệnh nghiêm trọng hơn.
Người bị đau dạ dày dễ bị kích ứng niêm mạc khi ăn đồ ăn có tính nhiệt như lá lốt.
Với người bị táo bón, nhiệt miệng vốn là những người bị nóng trong, ăn lá lốt khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Lưu ý: Dù lá lốt rất thơm ngon và chứa nhiều dưỡng chất, tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn hay uống nước lá lốt hàng ngày. Hãy cẩn thận trước khi dùng lá lốt để làm liều thuốc của mình.