Sáng 21/4, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và đoạn nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam được khởi công theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài hơn 43 km, điểm đầu tại quốc lộ 1 kết nối đường vào cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối kết nối cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m ở giai đoạn 1. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được nâng lên quy mô 6 làn xe, rộng 32 m.
Dự án cũng đầu tư hai đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài 17 km. Hai đoạn kết nối có quy mô 2 làn xe, rộng 14,5 m ở giai đoạn đầu, sau đó nâng lên 4 làn xe, rộng 22 m khi hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư dự án là 11.024 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 5.529 tỷ đồng. Vốn nhà nước được sử dụng xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chịu trách nhiệm triển khai dự án. Liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm các công ty: cổ phần Xây dựng Đèo Cả – cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – cổ phần Xây dựng công trình 568 – cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo cả đứng đầu. Đây là nhà đầu tư từng “giải cứu” cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng sẽ giúp phương tiện lưu thông thuận lợi giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của “cao tốc cụt” Bắc Giang – Chi Lăng.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đây là dự án cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông được triển khai. Dự án sẽ kết nối hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với Hà Nội, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương. Cảm ơn người dân Lạng Sơn đã nhường đất ở cho dự án, ông yêu cầu chính quyền địa phương chăm lo đời sống cho người dân, để họ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Để thực hiện mục tiêu năm 2025 thông tuyến cao tốc Bắc Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành đồng hành với Lạng Sơn, Cao Bằng, tháo gỡ vướng mắc của dự án theo thẩm quyền, không đùn đẩy né tránh làm kéo dài thời gian thi công. Địa phương cũng cần phát huy tính tự lực để cao tốc được thực hiện đúng tiến độ. Nhà đầu tư phải thi công an toàn, đảm bảo chất lượng.
“Mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt ra là hoàn thành 3.000 km cao tốc đến 2025, trong đó có cao tốc huyết mạch Bắc Nam. Khi đó đất nước sẽ có không gian phát triển mới, kết nối kinh tế Bắc Nam, Đông Tây, kết nối Asean và Trung Quốc”, Thủ tướng nói.
Dự án Hữu Nghị – Chi Lăng được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến đường phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt – Trung và phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh Đông Bắc, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, tăng thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.