Thế hệ lao động mới, đặc biệt gen Z, thời gian gắn bó ngắn hạn (chỉ 1-2 năm) với công ty đã trở thành chuẩn mực mới của thế hệ này. Nhảy việc không còn bị coi là dấu hiệu của sự không ổn định như quan điểm trước đây.
Bà THANH NGUYỄN (CEO Anphabe)
Kết quả về nhảy việc này ghi nhận từ khảo sát nửa đầu năm 2023 của đơn vị tư vấn về thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc Anphabe.
Theo khảo sát, cứ 10 người bị cắt giảm có bảy người tìm được công việc mới. Chỉ một người trong số này chấp nhận lương thấp hơn, ba người giữ nguyên mức lương và ba người còn tìm được việc có mức lương mới cao hơn.
“Đây là một diễn biến thú vị cho thấy thị trường lao động đang trở nên linh hoạt và cởi mở hơn. Việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp” – bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe, nhận định.
Sự thay đổi này yêu cầu các nhà tuyển dụng cần có sự thay đổi trong cách đánh giá ứng viên cũng như cách họ xây dựng môi trường làm việc và phát triển nhân sự.
Năng lực Agile là khả năng linh hoạt, sẵn sàng đổi mới, cải tiến hiện trạng nhằm thích ứng với biến đổi bên trong và thay đổi bên ngoài, hướng tới những giá trị đột phá.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm hàng loạt, việc xây dựng năng lực làm việc Agile (làm việc theo từng nhóm dự án với nguồn lực phù hợp) đang trở thành xu hướng, nhất là ngành công nghệ thông tin.
Việc xây dựng năng lực Agile cho người lao động giúp họ linh hoạt tham gia nhiều dự án dù có thể không phải ở công ty hiện tại.
Cách tiếp cận này cho phép tổ chức và nhóm dự án phản ứng nhanh với sự thay đổi.
Khi doanh nghiệp xây dựng năng lực Agile cho người lao động, nếu phải đối mặt với các quyết định sa thải hàng loạt hay tái cấu trúc, họ có thể yên tâm rằng nhân viên đã được trang bị đủ kỹ năng để tự tin tiếp tục con đường sự nghiệp của mình ở nơi khác.
Trong khi đó, khảo sát kỳ vọng của người đi làm 2015 – 2022 của Anphabe (khoảng 60.000 lượt/năm) cho thấy họ ngày càng quan tâm phúc lợi liên quan đến gia đình (62%) và phúc lợi về thời gian và hỗ trợ làm việc (63%) trong sáu nhu cầu phúc lợi cho người lao động.
Sáu phúc lợi gồm: phúc lợi về thời gian và hỗ trợ làm việc, phúc lợi cho gia đình (như kỳ nghỉ cùng với gia đình), phúc lợi xây dựng văn hóa, phúc lợi bằng tiền, phúc lợi về bảo hiểm và sức khỏe, phúc lợi đào tạo và phát triển.
“Dù doanh nghiệp có nỗ lự, số lượng nhân viên được hưởng các phúc lợi này vẫn ít hơn so với kỳ vọng, và phần lớn chưa hài lòng với lợi ích mà công ty cung cấp.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đến nay đều đang tập trung vào các phúc lợi đào tạo và phát triển hơn là phúc lợi về thời gian và hỗ trợ làm việc”, bà Thanh Nguyễn nói.