Nội bộ Israel hiện vẫn chưa thống nhất được cách phản ứng sau cuộc tấn công của Iran, song điều đó không có nghĩa là Trung Đông không đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.
Iran không thể không đáp trả vụ Israel ném bom phá hủy tòa nhà lãnh sự Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria. (Nguồn: AFP) |
Đêm 13 rạng ngày 14/4, Iran đã nã một loạt tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Iran trực tiếp vào Israel kể từ khi thành lập nước Cộng hoà Hồi giáo Iran năm 1979, nhằm đáp trả vụ Israel ném bom phá hủy tòa nhà lãnh sự Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria ngày 1/4, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có hai tướng lĩnh của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).
Ngay sau khi tòa lãnh sự bị tấn công, các nhà lãnh đạo cao nhất gồm Giáo chủ Ali Khamenei, Tổng thống Ebrahim Raisi, Tổng tư lệnh IRGC Hossein Salami đều đã tuyên bố sẽ đáp trả thảm khốc hành động của Israel. Như vậy, Iran không thể không thực hiện lời tuyên bố của mình.
Thông điệp của Iran
Iran đã tuyên bố, nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án cuộc tấn công của Israel vào cơ quan lãnh sự của Iran tại Syria thì Iran sẽ không tấn công Israel. Tuy nhiên, tại cuộc họp khẩn cấp ngày 2/4/2024, Hội đồng Bảo an đã không ra tuyên bố lên án Israel do Mỹ, Anh và Pháp ngăn cản.
Tấn công Israel, Tehran một mặt để đáp trả vụ tấn công vào Đại sứ quán Iran ở Syria, tỏ rõ quyết tâm bảo về độc lập, chủ quyền của mình, mặt khác cũng để phản ứng trước thái độ ủng hộ Israel của Mỹ và phương Tây.
Người phát ngôn chính thức của quân đội Israel, Tướng Daniel Hagari cho biết, trong cuộc tấn công kéo dài năm tiếng đồng hồ, Iran đã phóng 185 máy bay không người lái, 30 tên lửa hành trình và 120 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel. Tên lửa và máy bay không người lái phóng vào Israel được cho là từ lãnh thổ của năm quốc gia, phần lớn từ Iran, số còn lại từ Iraq, Lebanon, Syria và Yemen.
Phát động cuộc tấn công này, mục tiêu chính của Iran không phải muốn gây xung đột với nhà nước Do Thái, mà muốn gửi đi một số thông điệp.
Thứ nhất, cảnh báo Tel Aviv không lặp lại các hành động tương tự đánh vào các cơ quan ngoại giao và lợi ích của Iran. Chính vì vậy, sau khi bắn một loạt tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, Tehran đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự. Trên thực tế, các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc tấn công của Iran vào Israel mặc dù về quy mô khá lớn, tuyên truyền rầm rộ, nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể cho Israel.
Thứ hai, khẳng định sức mạnh quân sự cũng như vai trò của Iran không thể thiếu được ở khu vực cũng như trên thế giới. Trong cuộc tấn công vửa qua, Iran đã sử dụng các tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái hiện đại có thể vượt qua khoảng cách gần 2.000 km để tới Israel.
Thứ ba, nhắn nhủ Mỹ và phương Tây không nên thi hành chính sách “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ với các nước, luôn đứng về phía Israel trong cuộc xung đột ở Trung Đông, đồng thời cần thiết cấp bách phải tìm ra một giải pháp công bằng cho các vấn đề của khu vực.
Hệ thống chống tên lửa hoạt động sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel, ngày 14/4. (Nguồn: Reuters) |
Khả năng đáp trả của Israel
Nội các chiến tranh của Israel đã họp khẩn cấp lần thứ hai trong 24 tiếng dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Bejamin Netanyahu để bàn biện pháp đáp trả cuộc tấn công của Iran. Chắc chắn Israel sẽ phải đáp trả, tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về phương cách và thời gian.
Một đòn tấn công vào lãnh thổ Iran là không thể loại trừ, nhưng khó xảy ra vì đây sẽ là một lựa chọn hết sức nguy hiểm, hậu quả khôn lường. Theo các nguồn tin từ Tel Aviv, Thủ tướng Bejamin Netanyahu mặc dù tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ Teheran, nhưng đang cân nhắc rất kỹ phương án tối ưu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Có nhiều cản trở khả năng Israel tấn công vào lãnh thổ Iran bằng quân sự do không có được sự đồng thuận trong dân chúng Israel, Hội đồng chiến tranh Israel đang có sự bất đồng, lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid cáo buộc ông Bejamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm về việc Israel “tổn thất toàn bộ” răn đe của mình và cách điều hành cuộc chiến, đưa đất nước đến tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Một cuộc xung đột mới trực tiếp với Iran nếu xảy ra sẽ không có lợi cho Israel. Iran tuyên bố sẽ “đáp trả mạnh mẽ hơn và rộng rãi hơn trong vài giây”. Mặt khác, điều này có nghĩa là Israel sẽ buộc phải chiến đấu trên nhiều mặt trận. Trong khi cuộc xung đột tại Gaza chưa kết thúc, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, các phong trào kháng chiến ở Iraq, Syria… sẵn sàng tham gia cùng với Tehran.
Ông Raz Zimmt, chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, đưa ra đánh giá với CNN, ưu tiên của Israel là “tiếp tục và tập trung vào việc đạt được các mục tiêu chính ở Gaza chứ không phải mở các mặt trận mới”.
Phản ứng của các nước
Các nước đang tìm cách tránh một cuộc đối đầu trực diện giữa Israel và Iran. Mỹ, đồng minh chiến lược của Israel cũng chỉ tuyên bố ủng hộ Israel tự vệ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với Thủ tướng Bejamin Netanyahu rằng Washington sẽ không tham gia và không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào Iran, đồng thời tỏ mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng các biện pháp ngoại giao. Một cuộc chiến mới bùng nổ giữa Tel Aviv và Tehran sẽ ảnh hưởng đến là phiểu ủng hộ của cử tri Mỹ đối với ông Joe Biden, người đang có tham vọng làm ông chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng các biện pháp ngoại giao. (Nguồn: AP) |
Các đồng minh phương Tây của Israel và nhiều nước trên thế giới không ủng hộ Israel tấn công Iran. Ngày 16/4, các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến bất thường để thảo luận về cuộc tấn công của Iran vào Israel, bày tỏ mong muốn các bên kiềm chế, ngăn chặn sự leo thang xung đột ở Trung Đông và tiếp tục hợp tác khu vực. Cuộc họp diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, trong đó sự leo thang nguy hiểm ở Trung Đông sẽ là vấn đề lớn trong chương trình nghị sự.
Phát biểu sau cuộc họp, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết Brussels sẽ xem xét các biện pháp cứng rắn hơn đối với việc Iran cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái, cho Nga và các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông.
Các quốc gia Arab bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang sau cuộc tấn công của Iran, nhưng họ chưa lên án thẳng thừng cuộc tấn công này. Trong cuộc phỏng vấn với Becky Anderson của CNN, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi tỏ ra ủng hộ quan điểm của Iran rằng cuộc tấn công là để trả đũa việc Israel tấn công tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Damascus.
Về phía Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi tuyên bố: “Iran không tìm cách gây căng thẳng, cuộc tấn công vào Israel vừa qua là mang tính bắt buộc và hạn chế về mức độ”.
Trong tình hình như vậy, ông Bejamin Netanyahu đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ông nói: “Chúng tôi sẽ đáp trả Iran, nhưng chúng tôi cần hành động khôn ngoan và không hành động theo cảm tính”.
Phương án khả thi nhất hiện nay là áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran. Theo hướng này, Israel đã yêu cầu hàng chục nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ngày 16/4, Ngoại trưởng Israel Katz đã viết trên mạng xã hội X: “Sáng nay tôi đã gửi thư tới 32 quốc gia và nói chuyện với hàng chục Ngoại trưởng và các nhân vật hàng đầu thế giới, yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa của Iran”.
Theo bảng so sánh sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2024 do Global Firepower, Iran đứng thứ 14, còn Israel chiếm vị trí thứ 17, việc mở ra một mặt trận mới với Iran được cho là một quyết định mà Irael phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ đẩy khu vực Trung Đông vốn đang hết sức căng thẳng vào một vòng xoáy bạo lực mới nguy hiểm.