Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, sự kiện được tổ chức để chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 – 01/5/2024), với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá nét đẹp văn hoá địa phương.
Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân được hình thành từ năm 1945, ban đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.
“Thông qua sự kiện chúng tôi mong muốn có cơ hội giao lưu văn hóa nghề truyền thống, năm nay chúng tôi lựa chọn nghề thổ cẩm Xí Thoại – đây cũng là một trong những nghề rất phát triển ở phía Tây Bắc ở Việt Nam. Tuy nhiên, lần đầu tiên phối hợp với khu vực miền Trung thì Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội mong muốn các đơn vị giao lưu, giới thiệu về nghề, nét đặc trưng và nét đẹp của văn hóa vùng miền tới người dân trên cả nước”, bà Trần Thị Thúy Lan nhấn mạnh.
Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ các sợi vải có nguồn gốc từ cây lanh, cây bông và cây gai. Bề mặt vải thổ cẩm được dệt rất chi tiết, có các ô hoa văn nổi lên như thêu bằng tay, nhưng thực chất tất cả quá trình để tạo ra tấm vải thổ cẩm đều được thực hiện trên khung cửi. Vải thổ cẩm được làm thủ công bởi những người dân xã Xuân Lãnh.
Mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của dân tộc nơi đây. Dệt thổ cẩm thường khó hơn rất nhiều vì phải nhớ từng con chỉ và hoa văn để thay các ống chỉ màu cho đúng. Nếu trong quá trình dệt có bị sai hay quên thì phải tháo ra và sửa ngay lại chỗ đó.
Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Bana là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời – đất, âm – dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học. Những hoa văn trên bề mặt vải thể hiện cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Ngoài ra hoa văn còn biểu tượng cho thiên nhiên, rừng núi, hoa lá.
Với các màu chủ đạo là trắng, đỏ và đen. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu. Màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Trong các màu thì đồng bào Ba Na coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên.
Thời gian qua, huyện Đồng Xuân đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên tổ dệt thổ cẩm tham gia các lớp đào tạo nghề, tham gia xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm gắn liền với thương hiệu của làng nghề dệt thổ cẩm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP, và hiện nay, đã có 40 hộ tham gia vào sản xuất dệt thổ cẩm.
Với gần 80 năm đưa vào hoạt động, làng nghề dệt thổ cẩm đã sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng kiểu dáng, màu sắc để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân và phục vụ khách du lịch, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định với nhiều mặt hàng sản phẩm du lịch phong phú, như: vải thổ cẩm, trang phục của người đồng bào dân tộc Ba Na, ví, túi thơm, khăn choàng,… tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Việt Trung – Đức Anh