Theo tờ Global Times, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I năm nay đã đạt 29,63 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tại lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại vào tháng 3, trong khi PMI ngành dịch vụ đạt điểm cao nhất kể từ tháng 7 năm 2023.
Nghệ nhân biểu diễn múa rồng tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Raul Ariano, Bloomberg |
Nền kinh tế của Trung Quốc cũng đang đạt những tín hiệu đáng mừng khác. Từ tháng 1 đến tháng 3, đầu tư vào tài sản cố định của cả nước tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 1,5% so với năm trước. Trong quý đầu tiên, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng cũng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh số bán lẻ trực tuyến tăng đến 12,4%.
Bất chấp những khó khăn gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường Trung Quốc. Theo Global Times, Trung Quốc đã hụy động hơn 100 tỷ nhân dân tệ nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong quý 1 năm nay. Các tổ chức tài chính quốc tế như Goldman Sachs và Citi Group đều đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2024.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đến từ đâu?
Theo tờ Global Times, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đến từ những chính sách điều chỉnh và nâng cấp cơ cấu kinh tế cũng như chuyển đổi sang động lực tăng trưởng mới. Cụ thể, ba yếu tố chính đã góp phần phục hồi nền kinh tế Trung Quốc đến từ sự tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp cao và giới tư nhân, cũng như việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Trong đó, trọng tâm của quá trình phục hồi nền kinh tế Trung Quốc là việc chính phủ nước này đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G. Trong quý đầu tiên, đầu tư vào các ngành công nghệ cao tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư vào sản xuất hàng không vũ trụ và sản xuất máy tính và thiết bị văn phòng tăng lần lượt là 42,7% và 11,8%. Kết quả là, các ngành công nghệ cao này không những góp phần chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống, mà còn tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp mới trong tương lai.
Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng và cải thiện cơ cấu nền kinh tế. Trong quý đầu tiên, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Với nguồn thu nhập tăng này, người tiêu dùng Trung Quốc đang dần chuyển đổi thói quen tiêu dùng, từ chọn những mặt hàng đại trà, giá rẻ sang những mặt hàng cá nhân hóa và chất lượng cao hơn.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang tạo điều kiện để phát triển đầu tư khu vực tư nhân. Trong hai tháng đầu năm 2024, đầu tư tư nhân chiếm 52,6% tổng đầu tư toàn quốc, tăng 2,2% so với cùng kì năm 2023. Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai chính sách hỗ trợ nền kinh tế tư nhân sẽ tạo nền tảng cho sự thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc và sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế.
Khó khăn vẫn còn với nền kinh tế Trung Quốc
“Bất chấp khởi đầu thuận lợi trong quý 1, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức” – Các chuyên gia của tờ Global Times nhận định. Những khó khăn này bao gồm kỳ vọng của người dân còn thấp và tình hình chính trị trên thế giới ngày càng phức tạp và bất ổn. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan vào sự tăng trưởng ổn định, dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Ngược lại, bà Shuli Ren, chuyên gia phân tích tài chính tại Bloomberg, đang có cái nhìn bi quan hơn về nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Theo bà Shuli Ren, tuy xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, đặc biệt là ngành xe điện, đang là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, nhưng tương lai của ngành này vẫn còn là một dấu hỏi. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nhiều chính trị gia như Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang bày tỏ lo ngại về sản lượng khổng lồ của ngành
Ngoài ra, cũng theo bà Shuli Ren, chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên giá trị gia tăng của từng ngành mà không tính đến yếu tố về nhu cầu của người mua hàng. Theo dữ liệu từ Bloomberg, lượng hàng tồn kho trong tháng 2 năm nay tại Trung Quốc đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tương lai, nếu các công ty tập trung vào bán các sản phẩm tồn kho trước khi sản xuất thêm, thì điều này sẽ gây áp lực lên GDP của Trung Quốc.
Tuy vậy, bà Shuli Ren cũng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có những chuyển đổi cấu trúc, việc xác định nền kinh tế nước này đang tăng trưởng hay suy thoái là ngày càng khó khăn. Bà cũng khuyến cáo các nhà phân tích cần tìm tòi và xem xét những dữ liệu nhỏ lẻ, và cần nghi ngờ những cáo buộc về bịa đặt hay làm giả số liệu thống kê.