Lễ cúng Tổ nghề Yến được tổ chức tại Miếu Tổ nghề, thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm, thành phố Hội An. Phần lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống, cúng lễ túc, cúng cầu an, tế Tổ nghề. Phần hội kéo dài 2 ngày, 10 và 11 tháng 3 Âm lịch, với các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Anh Staphane, quốc tịch Pháp rất thích thú khi lần đầu tiên được tìm hiểu văn hoá truyền thống của người dân Cù Lao Chàm qua Lễ cúng Tổ nghề Yến.
“Thắp nén hương tôi cảm nhận được sợi dây kết nối với người xưa với thế hệ hôm nay trên hòn đảo xinh đẹp này. Mặc dù chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa của nghi lễ truyền thống của các bạn nhưng tôi nghĩ rằng đây là hoạt động ý nghĩa để thế hệ trẻ ghi nhớ công lao to lớn của cha ông, tiếp tục giữ gìn và phát triển vốn quý của nơi này”, Anh Staphane, quốc tịch Pháp nói.
Miếu Tổ nghề yến tại thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm, thành phố Hội An được xây dựng vào thế kỷ 19 để thờ Tổ nghề yến và các vị thần bảo hộ của nghề. Trong văn cúng tổ nghề, thế hệ hôm nay ghi nhớ công ơn to lớn của tiền nhân đã có công đối với nghề khai thác Yến sào, cầu an một năm khai thác bội thu, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển Cù Lao Chàm.
Ông Cao Văn Năm, Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An cho biết, Lễ cúng Tổ nghề Yến có từ hơn 150 năm về trước, được tổ chức thường niên, trở thành nghi lễ truyền thống của người bảo vệ, khai thác yến trên đảo Cù Lao Chàm: “Cầu mong bình an và mong muốn nghề Yến ngày càng phát triển trên hòn đảo này, chim yến về quần tụ trên đảo ngày càng đông hơn, anh em làm nghề ngày càng thắng lợi”.
Ngay sau lễ cúng Tổ nghề Yến, Đội Quản lý khai thác Yến sào Cù Lao Chàm bắt đầu khai thác tổ yến đợt đầu trong năm và sẽ tiếp tục khai thác đợt 2 vào khoảng tháng 8 Âm lịch. Chim Yến Cù Lao Chàm làm tổ chủ yếu trong những khe núi nhỏ ở các hang Cả, hang Tò Vò, hang Tai, hang Khô, hang Trăng và hang Kỳ Châu trên đảo Cù Lao Chàm.