Bộ sách “Thưởng thức triết học” nằm trong chương trình đào tạo dịch giả trẻ của Viện Pháp, TS. Trần Văn Công là một trong những chuyên gia đào tạo cho các dịch giả trẻ trong khuôn khổ chương trình này.
Một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỉ XX, Ludwig Wittgenstein từng so sánh các triết gia với những đứa trẻ. Họ dùng bút chì viết những nét nguệch ngoạc lên tờ giấy trắng, rồi hỏi: “Đây là gì?”. Từ thuở hồng hoang của các nền văn minh, con người tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh mình. Thales coi nước là căn nguyên của vạn vật. Heraclitus lại cho đó là lửa. Trọng tâm tìm hiểu của triết học lúc này là vũ trụ, là tự nhiên – những gì nằm bên ngoài con người nhỏ bé. Thế rồi, con người dần lớn khôn, sự tò mò cũng mở rộng, hướng về đạo đức, lẽ công bằng, gia đình, quốc gia và mối quan hệ giữa người với người.
Từ “triết học” trong tiếng Anh là “philosophy”, vốn bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ đại “philosophía”, nghĩa là “tình yêu trí tuệ”. Bẩm sinh mỗi người đã là một triết gia. Không cần ai khơi gợi, chúng ta có thể tự đặt những câu hỏi lớn về thời gian, về hạnh phúc và ý nghĩa của tất tật mọi điều trong cuộc sống. Chỉ cần có một câu hỏi nào đó, đôi khi đơn giản đến không ngờ, khiến bạn đủ đau đáu và nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho nó thì lúc đó, bạn đã sống một “đời sống triết học”. Tuy nhiên, đáng tiếc, sự tò mò bẩm sinh này thường không được phát triển theo thời gian và khi chúng ta lớn lên, các câu hỏi sẽ biến mất.
Bộ sách “Thưởng thức triết học” được thiết kế để khai thác bản năng triết học tự phát trong mỗi người và phát triển nó thông qua những câu chuyện trong tình huống quen thuộc của cuộc sống.
Thưởng thức triết học không phải bộ sách triết học khô khan, với đủ những thuật ngữ rắc rối, “xoắn não”, mà là một bộ sách tranh hài hước, nhẹ nhàng, đơn giản, thích hợp với mọi lứa tuổi đọc để cùng ngồi lại và bày tỏ suy tư, suy ngẫm các vấn đề trong xã hội đương đại…