Quốc gia Mỹ Latinh dưới thời Tổng thống Argentina Javier Milei vừa có một bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng cường quan hệ với các cường quốc phương Tây và thu hút đầu tư.
Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Luis Petri hôm 18/4 tiết lộ rằng đất nước ông đã chính thức nộp đơn xin trở thành một đối tác toàn cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt.
Theo ông Petri, đề xuất được đưa ra trong cuộc gặp của ông với các quan chức hàng đầu của NATO tại trụ sở của tổ chức này ở Brussels (Bỉ).
“Tôi đã gặp ông Mircea Geoana, Phó Tổng Thư ký NATO. Tôi đã trao cho ông ấy ý định thư bày tỏ yêu cầu của Argentina trở thành đối tác toàn cầu của tổ chức này”, Bộ trưởng Petri cho biết trên mạng xã hội X/Twitter. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực khôi phục các mối liên kết cho phép chúng tôi hiện đại hóa và huấn luyện lực lượng của mình theo tiêu chuẩn NATO”.
Ông Geoana cho biết, ông hoan nghênh nỗ lực của Argentina để trở thành đối tác được công nhận trong liên minh – một vai trò có giá trị dưới dạng “đồng minh” đối với các quốc gia không nằm trong khu vực địa lý của NATO và không bắt buộc phải tham gia các hành động quân sự tập thể. Tư cách thành viên NATO hiện chỉ giới hạn ở các quốc gia châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mỹ.
Động thái của Argentina là sự thể hiện định hướng mới của nước này dưới thời Tổng thống Milei, người đã thúc đẩy một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa tự do cấp tiến nhằm đảo ngược các biện pháp đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái, ông Milei đã định hình lại chính sách đối ngoại của Argentina. Sau khi từ chối gia nhập khối BRICS do Nga và Trung Quốc dẫn dắt, nhà lãnh đạo cực hữu đang tìm kiếm lợi ích an ninh thông qua mối quan hệ nồng ấm hơn với các nước phương Tây.
Hôm 18/4, Washington tuyên bố sẽ cung cấp cho Buenos Aires khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 40 triệu USD lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ – một gói tài chính cho phép các đồng minh chủ chốt của “xứ cờ hoa” như Israel mua vũ khí Mỹ.
Khoản tiền này nhằm giúp Argentina trang bị và hiện đại hóa quân đội, sẽ giúp thanh toán chi phí cho 24 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ mà Argentina mua từ Đan Mạch vào đầu tuần này.
Bộ trưởng Quốc phòng Petri ca ngợi việc mua các máy bay chiến đấu tiên tiến là “thương vụ quân sự quan trọng nhất kể từ khi Argentina trở lại chế độ dân chủ” vào năm 1983. Mức giá 300 triệu USD đã thu hút sự chỉ trích từ các đối thủ chính trị của ông Milei khi ông cắt giảm chi tiêu trong toàn chính phủ.
Việc hợp tác chính thức với NATO cần có sự đồng thuận của tất cả 32 thành viên NATO. Mối quan hệ của Argentina với thành viên chủ chốt của NATO là Vương quốc Anh đã trở nên căng thẳng kể từ năm 1982 vì quần đảo Falkland đang tranh chấp ở Nam Đại Tây Dương.
Liên minh xuyên Đại Tây Dương hiện có một nhóm chọn lọc gồm 9 quốc gia được chính thức chỉ định là “đối tác toàn cầu”, bao gồm Afghanistan, Australia, Iraq, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, New Zealand và Pakistan. Hiện nay đối tác duy nhất của NATO ở Mỹ Latinh là Colombia.
Trao quy chế “đối tác toàn cầu” cho một quốc gia không có nghĩa là các đồng minh NATO sẽ đến bảo vệ quốc gia đó trong trường hợp bị tấn công. Cam kết đó – được nêu trong Điều 5 của Hiến chương NATO – được giới hạn ở các thành viên chính thức của liên minh.
Minh Đức (Theo AP, Buenos Aires Times)