Tại cuộc họp báo quý I/2024 diễn ra sáng 19/4, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ những giải pháp cơ cấu ngân hàng SCB.
Khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí được xem như “khủng hoảng” thì chức năng của ngân hàng trung ương là phải có giải pháp kịp thời để can thiệp, đảm bảo cho ngân hàng đó không đổ vỡ và không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước phải có những giải pháp hành động kịp thời.
Khi SCB xảy ra sự cố mất thanh khoản hồi tháng 10/2023, Ngân hàng Nhà nước có chức năng và luật pháp cũng quy định điều khoản yêu cầu ngân hàng trung ương phải thực hiện biện pháp ổn định ngân hàng này.
Theo ông Tú, SCB không phải là ngân hàng đầu tiên xảy ra sự cố, trong vòng 10 năm qua cũng đã có những ngân hàng yếu kém, có những ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đơn cử, cách đây 8 – 9 năm có 3 ngân hàng thương mại bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc phải xử lý.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, SCB là một trong những ngân hàng có quy mô lớn, có tổng tài sản lớn, do đó những giải pháp để xử lý cũng đòi hỏi thủ tục và quy mô hỗ trợ lớn.
“Đến nay, Ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này”, Phó thống đốc thông tin thêm.
Trong các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự ổn định SCB, trong đó có những khoản cho vay của Ngân hàng Trung ương đối với ngân hàng yếu kém nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật đã cho phép. Các biện pháp thực hiện này đều rất chi tiết, góp phần đảm bảo được ngay sự ổn định hệ thống.
Theo ông Tú, việc cho vay hay việc cung ứng tiền, dù dùng nhiều hay dùng ít đều sẽ có công cụ điều hòa. “Khi chúng tôi thấy lượng tiền trong nền kinh tế nhiều, dư thừa thì Ngân hàng Nhà nước cũng có biện pháp phát hành tín phiếu để hút tiền về như thời gian vừa qua”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói thêm.