Duy Minh là trưởng phòng sản xuất một công ty cơ khí ở TP.HCM. Bốn người lớn tuổi hơn anh là giám đốc, phó giám đốc và hai quản lý kho. Những nhân viên còn lại và công nhân sản xuất trực tiếp phần lớn ở tuổi 20 – 30.
Khi công ty toàn người trẻ
Trước khi ứng tuyển vào vị trí này, anh Minh là một trong những người bị cắt giảm tại một công ty liên doanh sản xuất thuốc lá sau dịch COVID-19. Anh đã vất vả đi tìm việc hồi đầu năm 2023.
Anh Minh kể, thời điểm đó, các công ty cắt giảm hàng loạt, việc không nhiều mà còn phải cạnh tranh với rất nhiều người trẻ.
Anh may mắn được tuyển vì có lợi thế từng làm quản lý sản xuất ở một công ty cùng ngành. Công ty mới đang trong thời gian xây dựng nhà máy, cần người có kinh nghiệm thiết lập từ máy móc sản xuất cho đến tuyển dụng lao động.
Hiện tại, khi trực tiếp tuyển dụng cho nhiều vị trí, Minh thừa nhận nếu tuyển nhân sự cho cùng một vị trí có cùng một mức lương, anh sẽ chọn người 25 thay vì 35 tuổi.
“Người trẻ tuổi, những bạn gen Z hiện nay có khả năng học hỏi, thích nghi nhanh hơn hẳn”, Minh nói.
Minh Phượng (30 tuổi) – phụ trách team truyền thông một công ty bất động sản – cho biết team của cô 14 người chỉ có hai thiết kế ở tuổi 40, còn lại toàn các bạn 9X, trẻ nhất sinh năm 2001.
“Tôi thấy nhiều công ty bây giờ hầu như không nhiều người 7X (từ 45 tuổi trở lên), trừ vị trí quản lý. Ngay cả người quản lý nhiều nơi giờ có khi mới 28 – 29 tuổi.
Quản lý trẻ nên khi xây dựng đội, nhóm họ cũng sẽ có xu hướng tuyển người trẻ hơn để dễ làm việc. Có lẽ thế nên người U40, U50 xin làm nhân viên càng khó hơn”, Phượng nói.
Sau 35 tuổi không lẽ phải về hưu?
Trên các diễn đàn tuyển dụng, nhiều người chia sẻ những khó khăn khi thất nghiệp ở độ tuổi 30 – 35 và phải mất nhiều tháng liền, rải hồ sơ chắc vài chục công ty mới tìm được việc.
35 tuổi, một bà mẹ trẻ cho biết vừa ra khỏi giai đoạn thất nghiệp sau 5 tháng ròng rã rải hồ sơ tìm việc. Chị nghỉ việc ở công ty đã gắn bó 8 năm vì “nợ lương vài tháng và đủ loại nợ khác vài năm, còn phải kiêm nhiệm việc của vài người”.
“Thời gian tìm việc, mình thường xuyên tuyệt vọng, thậm chí hay nghĩ quẩn, nhưng nghĩ đến con nên cố vực dậy. Lý do một nhân viên đa năng như mình không được tuyển chỉ vì mình ngoài 30 tuổi.
Một số công ty yêu cầu chỉ tuyển người 25 – 30 tuổi. Theo dõi diễn đàn, tôi mới biết có nhiều người cũng bị như vậy. Không ngờ vị trí nhân viên hay senior lại ế việc sớm như vậy. Thật buồn”, chị chia sẻ.
Nhiều người đồng cảnh ngộ, gặp tình cảnh tương tự đã để lại bình luận chia sẻ, đồng cảm với chị.
– Chúc mừng chị. Em 32 tuổi, cũng đang chật vật xin việc, ngày nào cũng suy nghĩ, ăn ngủ không ngon, thất vọng bản thân mãi không xin được việc.
– Tôi cũng nhảy việc do công ty nợ lương vài tháng cuối năm ngoái. Kinh nghiệm 7 năm cũng nghĩ dễ nhảy thôi. Ai dè tin tuyển dụng toàn yêu cầu dưới 30 tuổi. Áp lực thật sự ạ. Chơi hơn 2 tháng rồi.
– Tôi 89. Mới cầm CV đi phỏng vấn. Thị trường thật khắc nghiệt. Họ không muốn nhận nhân sự 34-35 tuổi.
– Làm công ty lớn là như vậy. Mình làm ở công ty cũ từ 20 tuổi và 32 tuổi mình nghỉ. Trong khoảng thời gian12 năm đó, rất nhiều con người ra đi. Khi ngoài 30 tuổi, nếu không có năng lực làm sếp thì gần như khó xin làm nhân viên.
Không ít người rơi vào tình huống không thể không nghỉ vì công ty nợ lương, quỵt lương và stress khi không tìm được việc làm.
“Nhiều khi nghĩ tầm 30 trở lên không nên nghỉ việc. Vì cứ nghỉ việc rồi đi tìm việc khác là hay thấy mấy dòng yêu cầu độ tuổi như thế. Nhưng tôi 38 tuổi và vẫn nhảy việc.
Đâu ai muốn đi làm mà bay nhảy công việc khắp nơi, nhưng trúng công ty nợ lương này kia không lẽ cũng phải ráng ngậm bồ hòn làm ngọt hoài sao?
Tùy vị trí công việc mà tuyển dụng độ tuổi thích hợp, chứ cái nào cũng yêu cầu từ 35 tuổi trở về sau chắc cỡ tôi phải nghỉ hưu từ giờ luôn à”, một người chán nản chia sẻ.
Bạn có nhận thấy người ngoài 30 tuổi ngày càng khó xin việc? Bạn có đang gặp khó khăn vì làn sóng sa thải? Mời bạn chia sẻ câu chuyện về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.