Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, có một thực tế là sở thích của phần đông khán giả trẻ ra rạp vẫn là những bộ phim có câu chuyện gần gũi với thế hệ của họ, khiến họ khóc cười cùng nhân vật và mang tính giải trí cao: “Thế nên, với phần lớn các phim nghệ thuật khi trình chiếu tại hệ thống rạp Việt Nam (bao gồm cả phim nước ngoài lẫn trong nước), chúng ta đều hiểu đó là những gia vị khiến cho thực đơn phim chiếu rạp phong phú hơn một chút, ngoài ra rất khó để có thể tạo nên những đột biến về doanh thu hoặc gây sốt về mặt truyền thông so với các phim thương mại.
Những trường hợp như bộ phim “Paraside” cách đây vài năm là trường hợp rất hiếm hoi cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại và tạo nên sức hút với thị trường, còn lại các phim khác hầu như đều có doanh thu thấp và suất chiếu ít ỏi vào những khung giờ xấu. Và “Muôn vị nhân gian” cũng rơi vào trường hợp như thế, không có gì quá bất ngờ”.
Từ quan sát của mình, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, không phải ngẫu nhiên những phim của Trấn Thành hay Lý Hải tạo được dư luận và doanh thu tốt cho thị trường, vì họ đều là những người kể chuyện rất giỏi cũng như nắm bắt thị hiếu khán giả rất sát sao: “Thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn đang trên đường phát triển, với một tốc độ rất chậm so với các nước trong khu vực.
Vì thế nhu cầu của khán giả ở thời điểm này với những câu chuyện bình dân, gần gũi… cũng là tất yếu. Chúng ta cần thêm thời gian, cần thêm những tài năng trong nghề làm phim và cũng cần thêm các giai đoạn để thị hiếu khán giả nâng tầm lên với những câu chuyện độc đáo, thú vị có tính gợi mở về sự sáng tạo nhiều hơn…
Dĩ nhiên, để đi đến lúc đó sẽ là một hành trình dài. Còn với thị trường hôm nay, tôi nghĩ việc của các nhà làm phim là làm tốt cảm xúc với câu chuyện muốn kể (dù cho bình dân hay không bình dân) để khán giả chịu ra rạp xem phim, đã là điều rất tốt mà thị trường này đang cần. Còn thực tế, mặt bằng chung thị trường phim Việt chúng ta có sự chênh lệch về chất lượng rất khủng khiếp…”
Với nhà thơ Nguyễn Phong Việt, mỗi giai đoạn thị trường sẽ có những điều chỉnh khác nhau về mặt thị hiếu với khán giả ra rạp. Giống như có một thời gian chúng ra rất thích các phim siêu anh hùng, nhưng rồi qua thời kỳ đó, khoảng 2 – 3 năm trở lại đây thì dòng phim đấy đã mất đi rất nhiều khán giả từng yêu thích nó:
“Nói như vậy để thấy, thị hiếu khán giả hoàn toàn không liên quan đến việc thẩm mỹ cao hay thấp, mà vấn đề là ở mỗi thời kỳ sự lựa chọn ra rạp của khán giả có liên quan rất nhiều đến văn hóa, lối sống, trải nghiệm của thế hệ đó. Làm phim bình dân mà xuất sắc như của Trấn Thành hay Lý Hải (ở đây chúng ta đang nói trong phạm vi thị trường điện ảnh nội địa), thì tôi nghĩ những nhà làm phim khác ở Việt Nam ai cũng mong như thế cả”.
Nguyên do của vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Phong Việt giải thích, xuất phát từ thị hiếu của khán giả. Khán giả có nhu cầu và thị trường đáp ứng được nhu cầu đó, đấy cũng là thành công: “Ngày hôm nay có thể đề tài gia đình, câu chuyện bình dân đang ăn khách, nhưng có thể vài năm nữa sẽ là một xu hướng khác. Việc này là rất bình thường trong một thị trường đang thay đổi rất nhanh theo nhu cầu giải trí của giới trẻ…”
Là một người có thời gian dài theo dõi mảng điện ảnh cũng như viết nhiều bài bình luận điện ảnh sâu sắc, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng hiện không hiếm các nhà phê bình điện ảnh: “Chỉ là có thể tôi đang đứng ở vị trí trung lập nên đôi khi quan điểm và góc nhìn của mình không bị tác động nhiều bởi các bên liên quan đến công tác làm phim. Trong khi đó, ở các báo và các kênh truyền thông khác vẫn có rất nhiều người theo dõi và viết mảng điện ảnh chuyên sâu. Tuy nhiên, có thể ở góc độ của báo hoặc những giới hạn của một cơ quan truyền thông, dẫn đến những bài viết đôi khi chưa thể hiện hết quan điểm cá nhân người viết…”.
Về việc nâng cao thị hiếu cũng như trình độ thưởng thức của công chúng Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ, giáo dục có tác động rất lớn đến nhận thức của học sinh, sinh viên, họ cũng chính là những thế hệ kế thừa và phát triển ngành làm phim ở Việt Nam:
“Tuy nhiên, chúng ta ai cũng biết nền giáo dục Việt Nam vẫn nặng về học theo cấu trúc chương trình đã định sẵn, việc có thêm những tiết học, khóa học về điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung là rất khó. May ra chỉ có một số ít các trường quốc tế là làm được việc này. Còn lại mọi thứ đều đến từ nỗ lực tự thân, bên cạnh việc các bạn trẻ biết rõ năng lực của mình để theo học các chuyên ngành điện ảnh ở Việt Nam và nước ngoài.
Chúng ta hoàn toàn chưa có một nền tảng khai mở một cách thú vị về hiểu biết nghệ thuật với những bản nhỏ trên ghế nhà trường. Và điều này là một thiệt thòi rất lớn trong việc tìm ra các thế hệ tài năng làm phim của Việt Nam trong tương lai gần”.