Pác Rằng – theo tiếng Nùng có nghĩa là đầu mó nước. Nơi đây có một nguồn nước trong vắt không bao giờ cạn cung cấp nước cho cả bản từ nhiều đời. Bản Pác Rằng nằm trên địa phận xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên là nơi có nghề rèn từ hàng trăm năm trước.
Tương truyền, làng nghề rèn đã có từ thế kỉ 11, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống. Sau chiến tranh, người dân ở đây đã chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Người dân sinh sống ở Phúc Sen chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng An, có khoảng 400 hộ dân thì một nửa trong số này làm nghề rèn.
Sản phẩm rèn của Phúc Sen chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác. Nhờ có những sản phẩm chất lượng nên danh tiếng làng nghề dần lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến Phúc Sen đặt hàng.
Một bản làng cổ khác của người Nùng là Lũng Rì. Theo tiếng Nùng, Lũng Rì có nghĩa là thung lũng chạy dài. Bản Lũng Rì nằm ở xã Tự Do, huyện Quảng Hòa là nơi nổi tiếng với nghề làm ngói máng âm dương. Để có được một viên ngói, người Lũng Rì phải làm rất nhiều công đoạn, từ chọn đất, lọc sạch đất, làm nhuyễn đất, rồi mới đến tạo hình ngói máng, phơi ngói và cuối cùng là đưa vào lò nung…
Tất cả các công đoạn đó đều làm thủ công. Ngói được cho vào lò lửa đỏ 7 ngày đêm và luôn phải giữ nhiệt độ ở mức ổn định. Mỗi lò nung trung bình có thể nung được 15 nghìn viên ngói mỗi mẻ. Nếu vào mùa hè trời khô ráo, cũng phải mất đến 3 tháng để làm được mẻ ngói đầy lò nung.
Mất nhiều công sức như vậy nhưng giá bán của mỗi viên ngói lại chẳng được là bao. Vậy nên, nghề làm ngói ở Lũng Rì càng ngày càng ít người bám trụ.
Làng bún Hồng Quang là nơi chuyên sản xuất bún khô được làm từ ngô. Điều thú vị có lẽ đến từ sắc màu của những sợi bún nên được gọi là bún ngũ sắc.
Nguyên liệu chính của loại bún này là ngô tẻ giống địa phương, hạt đều, chắc để cho thành phẩm thơm và có màu vàng đẹp. Ngô sau khi phơi khô sẽ được xay nhỏ rồi ngâm qua đêm. Tiếp đó, ngô được xát mịn rồi thêm bột gạo để cho vào máy trộn, pha thêm nước, đem hỗn hợp này vào máy ép bún để ra sản phẩm.
Người Dao Tiền ở Cao Bằng là dân tộc có trang phục vô cùng đặc sắc. Nổi bật lên là những đồ trang trí, trang sức được làm bằng bạc tinh xảo. Trải qua thăng trầm, đến nay chỉ còn lại duy nhất một nghệ nhân chạm bạc cuối cùng là ông Lý Phú Cát, 57 tuổi ở thôn Hoài Khao, xã Quang Thành, Nguyên Bình. Với ông Cát, chạm khắc bạc không chỉ là nghề đem lại thu nhập cho gia đình mà còn lưu giữ bản sắc, hồn cốt của người Dao Tiền.
Ông đã chuyển ra khỏi làng, dựng một căn nhà nhỏ trong khu rừng yên tĩnh để làm nghề chạm bạc. Hàng ngày, trong căn nhà nhỏ giữa núi rừng Phia Oắc, qua đôi bàn tay khéo léo của mình, ông vẫn miệt mài chế tác ra những bộ trang sức truyền thống. Tiếng gõ chạm bạc đều đều chính là sự thể hiện tình yêu của ông đối với nghề của tổ tiên để lại cũng như niềm đam mê với văn hóa dân tộc mình.