Tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, thịt chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều muối có thể gây rối loạn nội tiết, khiến trẻ dậy thì sớm.
Dậy thì sớm là tình trạng cơ thể trẻ bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu trưởng thành về thể chất sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai).
Chuyên viên dinh dưỡng Đỗ Thị Lan, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng, dao động 1/5.000-1/10.000 trẻ, trong đó bé gái có nguy cơ dậy thì sớm cao gấp 10 lần so với bé trai.
Trẻ dậy thì sớm có thể do di truyền, rối loạn hormone, vấn đề ở hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không hợp lý khiến trẻ tăng cân nhanh, gây thừa cân béo phì làm thay đổi hormone đẩy nhanh thời gian dậy thì. Trong khi đó, trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất vẫn có nguy cơ dậy thì sớm do thói quen ăn uống không khoa học làm gián đoạn chu kỳ nội tiết.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến thành phần hệ vi sinh đường ruột, làm thay đổi mức độ hormone giới tính estrogen, có khả năng ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì. Một số loại vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine.
Những chất này có thể tác động lên trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục, hệ thống chính cần thiết cho sự phát triển tuổi dậy thì.
Chuyên viên dinh dưỡng Lan lưu ý một số loại thực phẩm dưới đây góp phần rút ngắn thời gian dậy thì của trẻ.
Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ chứa nhiều chất béo, dễ dẫn đến béo phì nếu tiêu thụ nhiều. Tình trạng này xảy ra trước tuổi vị thành niên có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi androgen thành estrogen, thay đổi độ nhạy và hormone tiết ra, kích hoạt trục vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục, thúc đẩy quá trình dậy thì.
Chất béo tích tụ trong cơ thể sản sinh ra hormone leptin, có thể tác động lên vùng dưới đồi để kích thích giải phóng gonadotropin (GnRH) – một loại hormone thường có trong giai đoạn đầu dậy thì. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin, kích thích buồng trứng sản xuất nhiều estrogen hơn, tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ gái.
Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu đường, tinh bột dẫn đến tăng cân quá mức. Hấp thụ một lượng lớn carbohydrate còn kích thích sản xuất và giải phóng insulin để duy trì lượng đường trong máu bình thường, theo thời gian gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Chế độ ăn nhiều đường góp phần gây viêm mạn tính trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục.
Viêm mạn tính còn khiến căng thẳng sinh lý, kích thích tuyến thượng thận sản sinh androgen – tiền thân của các hormone giới tính như testosterone và estrogen. Mức độ nội tiết androgen tăng cao góp phần dậy thì sớm hơn.
Thực phẩm chứa nhiều muối gây hại hệ tiêu hóa, thận, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất, kích hoạt hormone neurokinin B có liên quan tới sinh sản, cơ thể dậy thì sớm.
Đồ ăn nhanh, thịt chế biến sẵn hầu hết đều chứa nhiều chất béo, đường, muối, chất tạo màu, tạo ngọt, tạo mùi, chất bảo quản… Chúng ảnh hưởng đến hormone giới tính, kích hoạt dậy thì ở trẻ.
Ăn nhiều protein động vật có thể làm tăng mức IGF-1, thúc đẩy tăng trưởng và đẩy nhanh quá trình dậy thì. Theo chuyên viên Lan, trẻ tiêu thụ quá nhiều protein động vật (trong thịt, sữa và các chế phẩm) so với khuyến nghị ở giai đoạn 3-7 tuổi thường sẽ dậy thì sớm hơn. Những loại thực phẩm này thường được đóng gói trong bao bì nilon, nhựa, có thể chứa hóa chất như Bisphenol A (BPA), Phthalates kích thích sản xuất estrogen, biến đổi gene…
Nội tạng động vật làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh lý gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, dậy thì sớm.
Thịt vùng cổ gia cầm: Gia cầm hiện nay như gà, ngan, ngỗng, vịt… chủ yếu đều ăn thức ăn có chứa nhiều thuốc kích thích tăng trưởng, khi ăn vào sẽ tích tụ chủ yếu ở phần từ cổ trở lên đầu. Do đó, khi trẻ ăn nhiều thịt ở các khu vực này, các chất này đi vào cơ thể của trẻ, từ đó, kích thích sự phát triển, gây dậy thì sớm.
Rau củ quả trái mùa có thể chứa nhiều chất ép chín và bảo quản. Những hóa chất này có thể làm biến đổi gene, rối loạn nội tiết và khiến trẻ dậy thì nhanh hơn bạn bè cùng tuổi.
Thịt cá công nghiệp thường được cho thức ăn chứa thuốc tăng trọng. Những chất này vẫn còn tích tụ trong thịt, mô mỡ, khi tiêu thụ có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp |