Ông Tim Curtis, Trưởng Ban Thư ký Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (Công ước 2003) của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Năm 2023 đánh dấu tròn 20 năm ký kết Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Với tư cách là Trưởng Ban Thư ký Công ước bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, xin ông cho biết những thành tựu đạt được trên thế giới sau 20 năm thực hiện công ước này?
Công ước đã tồn tại được 20 năm và hiện có 181 quốc gia thuộc UNESCO đã phê chuẩn công ước này. Đây là một tỷ lệ thành viên rất ấn tượng. Điều này chứng tỏ công ước có ý nghĩa đối với mọi người. Tôi có thể nói rằng hiệu quả của cam kết này là rất lớn. Cách đây 20 năm, có rất ít quốc gia có chính sách hay chương trình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể… Ngày nay, trên thế giới, cả 181 quốc gia thành viên của Công ước 2003 đều có ít nhất một chương trình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Khi bắt đầu thực hiện công ước này, một trong những mục tiêu là tuyên truyền cho mọi người biết tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Có thể nói rằng mục tiêu này đã đạt được, bởi vì khi nói đến di sản văn hóa, không còn chỉ nói đến các di tích, danh thắng mà còn đề cập cả đến các di sản văn hóa phi vật thể. Xét về khía cạnh này, công ước đã thực sự đạt được các mục tiêu đề ra. Có thể nói công ước mang giá trị toàn cầu vì hầu như tất cả các nước thành viên của UNESCO đều là thành viên của công ước này. Đây là một thành công lớn. Tôi nghĩ sau 20 năm, đã có rất nhiều thay đổi và điều đó đã làm thay đổi quan niệm thế nào là di sản văn hóa.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước 2003. Xin ông đánh giá những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện công ước của UNESCO?
Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong việc thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam hai lần là thành viên của Ủy ban Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam có khoảng 15 di sản được ghi tên vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể và cũng là quốc gia đầu tiên chuyển một số di sản văn hóa phi vật thể từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách các di sản đại diện của nhân loại. Tôi nhận thấy Việt Nam không chỉ đóng vai trò rất tích cực ở cấp độ quốc tế, trong khuôn khổ của công ước, mà cả ở cấp quốc gia. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã đưa vào Luật di sản văn hóa 2009 sửa đổi một số chính sách văn hóa mới, trong đó có công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể không chỉ được công nhận trong chính sách quốc gia, mà cả trong các hoạt động ở mọi vùng miền, mọi địa phương, nhóm dân tộc đa số hay thiểu số… Vì vậy, chúng tôi thấy rằng Việt Nam đã tham gia rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng về cơ bản, Việt Nam đã nhận thức được vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững và đã đưa văn hóa lên một vị trí rất cao trong chính sách phát triển của đất nước. Đó là một thông điệp rất quan trọng đối với chúng tôi.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thực hiện công tác bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai?
Chúng ta vẫn đang tìm hiểu thế nào là bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, vì việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra thông qua sự chuyển giao giữa các thế hệ, do đó, việc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là một công việc mang tính liên tục. Chúng ta phải luôn tiếp tục nỗ lực và thích nghi, nghĩ ra những cơ chế mới, làm việc với các cộng đồng, tích hợp kiến thức này vào giáo dục, tiếp tục làm việc với những người trẻ tuổi, bởi vì chính những người này sẽ lại tiếp tục chuyển giao kiến thức cho các thế hệ tương lai. Về mặt tổng thể, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể còn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững dù là trong nông nghiệp, trong giáo dục, hay xóa đói giảm nghèo… Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể rất quan trọng, cần được bảo vệ và lồng ghép vào các chính sách phát triển. Tôi thấy Việt Nam đang làm điều này và các bạn nên tiếp tục đi theo hướng đó.
Xin trân trọng cảm ơn ông!