(Dân trí) – “Lễ hội Đền Hùng dù có những biến đổi cùng với sự phát triển, trưởng thành của đất nước nhưng vẫn sẽ tồn tại mãi, thậm chí ngày càng lớn mạnh hơn”, TS Trần Hữu Sơn nói.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn – 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 1/3 đến hết mùng 10/3 âm lịch) tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã có những biến đổi sâu sắc như thế nào? Những biến đổi này có tác động tích cực và tiêu cực ra sao? Sức sống, giá trị tín ngưỡng của Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng?…
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Hữu Sơn, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hoá du lịch xung quanh vấn đề này.
TS Trần Hữu Sơn – Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hóa du lịch (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Lễ hội Đền Hùng và những trăn trở trong sự biến đổi
Thưa ông, trải qua quá trình lịch sử cùng sự phát triển của đất nước, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hiện nay đã có những biến đổi như thế nào?
– Lễ hội Đền Hùng từ khi xuất hiện cho đến trước năm 1917 diễn ra vào tháng 8 âm lịch. Từ năm 1917 đến nay, sự kiện này đã chuyển sang tháng 3 âm lịch (mùa xuân) hằng năm.
Tại thời điểm này, Lễ hội Đền Hùng diễn ra cùng với ngày chính hội của làng Cổ Tích xưa. Những năm gần đây, dù tổ chức chính lễ vào ngày 10/3 nhưng Lễ hội Đền Hùng cũng đã có nhiều thay đổi.
Cùng với sự phát triển của các tour du lịch, từ sau Tết Nguyên đán, người dân từ khắp các địa phương trong cả nước kéo tới đây, không còn chờ tới tháng 3 như trước nữa.
Không gian của Lễ hội Đền Hùng cũng có sự dịch chuyển, cả về không gian thiêng và không gian địa lý. Thay vì chỉ có phạm vi khu vực Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ), lễ hội Đền Hùng đã mở rộng dần tới không gian tổ chức hội ở các làng cổ cạnh chân núi Hùng.
Hiện nay, tại phía Nam, một số tỉnh như TPHCM, Cần Thơ đã xây dựng đền thờ vua Hùng để người dân các tỉnh lân cận tới viếng một cách dễ dàng, thuận tiện.
Có thể thấy, từ một lễ hội của làng, Lễ hội Đền Hùng ngày nay đã thay đổi rất nhiều về quy mô.
Ở triều nhà Lê, đặc biệt là các triều đại phong kiến thời nhà Nguyễn, sự kiện này mới trở thành lễ hội của vùng, sau đó trở thành lễ giỗ Tổ của cả nước.
“Biển người” đổ về khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày 14/4 (Ảnh: Phú Thọ TV).
Theo quan điểm của ông, những biến đổi của Lễ hội Đền Hùng dẫn đến những tác động tích cực và tiêu cực ra sao? Đâu là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi này?
– Về mặt tích cực, đây là lễ hội đặc biệt, có quy mô lớn nhất trên đất nước ta. Tôi cho rằng ít quốc gia nào có một ngày giỗ Tổ lớn tới vậy. Sự kiện này một lần nữa tôn vinh truyền thống đoàn kết, gắn bó của người dân Việt Nam, cũng là sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng những kẻ thù lớn mạnh.
Lễ hội Đền Hùng mang những ý nghĩa chính trị – xã hội to lớn và quan trọng. Xu hướng biến đổi từ hội làng (hội làng He) lên quốc lễ (hội Đền Hùng) và ngày nay là lễ hội cấp quốc gia (Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng) đã góp phần quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công khai chủ quyền của Nhà nước ta qua các thời kỳ từ xã hội phong kiến đến ngày nay.
Xu hướng biến đổi Lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng tạo điều kiện, cơ hội để giáo dục cộng động các dân tộc Việt Nam qua các thế hệ hướng về cội nguồn, về lòng yêu nước, yêu dân tộc, tri ân tổ tiên. Đồng thời, hiểu thêm về công lao của các Vua Hùng, ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với lĩnh vực văn hóa, sự biến đổi trong Lễ hội Đền Hùng đã tạo cho vùng văn hóa Đông Bắc và vùng văn hóa Phú Thọ một không gian văn hóa rộng lớn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của cả nước, tạo điều kiện cho văn hóa Đất Tổ, văn hóa vùng Đông Bắc tiếp thu, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của chính địa phương mình.
Không chỉ thế, xu hướng biến đổi của Lễ hội Đền Hùng đã tạo nguồn kinh tế quan trọng cho tỉnh Phú Thọ nói riêng và Nhà nước nói chung thông qua nguồn thu lớn từ các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Cũng bởi những tác động tích cực trên nên tôi đánh giá sự kiện này là thành công lớn nhất trong việc bảo tồn di sản của tỉnh Phú Thọ, đồng thời cũng là thành tựu của cả nước.
Đông đúc du khách từ mọi miền Tổ quốc đổ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương, vãn cảnh, chiều 17/4 (Ảnh: Thành Đông).
Còn những tác động tiêu cực, tôi thấy nổi bật nhất là văn hóa cộng đồng các làng, cộng đồng Đất Tổ tại Lễ hội đền Hùng chưa được gìn giữ và phát triển. Vai trò cộng đồng của các làng nghĩa là gì? Đó là khi những nét văn hóa địa phương, gồm sự góp mặt của các trưởng làng phải được đề cao, tạo ra điểm nhấn đặc sắc trong lễ hội.
Quản lý lễ hội cũng là một điều quan trọng, tôi thấy trong những năm gần đây việc này thực hiện rất tốt nhưng nếu được đề xuất, tôi mong muốn liên kết Lễ hội đền Hùng với các điểm khác như Vườn quốc gia Xuân Sơn cùng các điểm du lịch lân cận để tránh trường hợp quá tải, quá tập trung tại một điểm nhất định.
Mặt khác, xu hướng biến đổi mở rộng không gian hội, văn hóa cộng đồng các dân tộc có cơ hội quảng bá, song các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ sẽ bị lấn át, pha trộn và biến dạng và có nguy cơ mai một. Các trò chơi, diễn xướng dân gian, đặc biệt là các nghi lễ, tục hèm, tín ngưỡng nông nghiệp có nguy cơ biến dạng. Bởi vậy, vấn đề bảo tồn không gian hội “Không gian văn hóa Đất Tổ” phải được đặc biệt chú trọng.
Bên cạnh đó, bây giờ tôi thấy việc nhiều tỉnh, thành phố lập đền thờ vua Hùng cũng tạo ra câu hỏi về việc bảo tồn không gian thiêng. Nếu không gian thiêng là giả và quá nhiều, tràn lan, lễ hội đâu còn ý nghĩa?
Ông đánh giá thế nào về sức sống, giá trị tín ngưỡng của Lễ hội Đền Hùng dù Di sản văn hóa phi vật thể này đã có nhiều biến đổi theo thời đại?
– Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là biểu hiện cụ thể nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện sự gắn bó của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Câu ca dao ấy có trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt, nhắc nhở chúng ta biết ơn sự hi sinh của các lớp người đi trước, chung tay bảo vệ, phát triển đất nước.
Với những ý nghĩa như thế, tôi tin rằng Lễ hội Đền Hùng dù có những biến đổi cùng với sự phát triển, trưởng thành của đất nước gắn liền với sự trường tồn của dân tộc qua mọi thời đại nhưng nó vẫn sẽ tồn tại mãi, thậm chí ngày càng lớn mạnh hơn. Lễ hội Đền Hùng mãi là một biểu tượng văn hóa có giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ xưa tới nay, người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Du khách trải nghiệm tour đêm Đền Hùng huyền ảo, trang nghiêm, ngày 13/4 (Ảnh: Thanh Thúy).
Lễ hội Đền Hùng biến đổi nhưng không biến tướng
Một vấn đề khác được đặt ra là làm sao để hài hòa giữa yếu tố du lịch tâm linh và du lịch truyền thống lịch sử như ở di tích Đền Hùng, thưa ông?
– Du lịch tâm linh và du lịch truyền thống luôn có sự kết nối, hòa quyện. Người Việt hành hương về Đền Hùng để lễ tổ, đó là việc làm mang yếu tố tâm linh. Khi tham gia Lễ hội Đền Hùng, họ được trải nghiệm, được trở về với nguồn cội và hiểu biết hơn lịch sử của dân tộc, đó chính là yếu tố truyền thống.
Cũng bởi vậy, tôi cho rằng hai việc này không có gì tách bạch.
– Ông đánh giá như thế nào về các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng, di sản văn hóa hiện nay?
– Trước tiên phải khẳng định rằng bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa không phải là công việc của riêng một cơ quan, tổ chức nào, mà cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng thực hiện.
Nếu thực hiện tốt, di sản văn hóa vừa là “kho báu” vừa là “chiếc cần câu” và là nguồn lực kinh tế lâu dài cũng như trước mắt của người dân, chính quyền địa phương và quốc gia.
Trên thực tế, những năm gần đây, các hoạt động đưa di sản trở thành một phần của sản phẩm văn hóa trong các lĩnh vực như thời trang, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, âm nhạc, phim ảnh, kiến trúc… đang diễn ra rất sôi nổi và có đóng góp đáng kể cho nền công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị di sản hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Tôi thấy, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng qua Lễ hội Đền Hùng có nhiều mặt tích cực, được phát huy tốt, tuy nhiên, trong vấn đề bảo tồn vẫn còn nhều bất cập và hạn chế.
Bảo tồn di tích cũng như bảo tồn di sản, cần phải có phương pháp, mà tại đó trước hết ta phải hiểu cấu trúc của di sản. Ở đó, hạt nhân di tích là quan trọng nhất, quy định di tích, di sản có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội.
Tại Lễ hội Đền Hùng, tôi cho rằng hạt nhân di tích chính là sự đoàn kết toàn dân tộc, đó là giá trị bất biến không bao giờ thay đổi. Thứ hai là các tín ngưỡng thực hành giá trị đó, như lễ dâng hương hàng năm, các yếu tố văn học nghệ thuật, ẩm thực, trò chơi phục vụ cho lễ hội.
Giá trị về Đền Hùng là bất biến, tồn tại lâu dài, còn bảo tồn là việc gìn giữ thành tố. Từ việc chăm chút cho các thành tố đó, chúng ta sẽ bảo vệ được di sản. Một ví dụ đơn giản là việc mặc quốc phục khi làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi cho đó là điều hiện đang thiếu sót và cần cân nhắc. Bên cạnh đó, như đã nói, sự đóng góp của các làng xã, trưởng làng tại lễ hội còn mờ nhạt.
Mặt khác, thông qua Lễ hội Đền Hùng có thể phát huy được các yếu tố văn học nghệ thuật, ẩm thực, trò chơi nhưng dù biến đổi thế nào cũng phải phục vụ cho giá trị cốt lõi và không làm biến tướng hay làm hỏng, mai một giá trị tín văn hóa cốt. Nên nếu bảo tồn mà không phục vụ cho giá trị thì không thể nào bảo tồn được.
Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để khuyến khích nhiều hơn các cá nhân tham gia vào việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống?
– Chúng ta cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy cũng như chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có quy định về đối tượng, thời gian, biện pháp… một cách chi tiết, rõ ràng.
Cần xây dựng các chính sách, giải pháp khả thi về quản lý di sản để vừa phát huy giá trị di sản, vừa bảo tồn di sản một cách hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, nhất là đối với đội ngũ trực tiếp tham gia vào việc khai thác giá trị di sản, bằng cách mở thêm nhiều lớp đào tạo về di sản.
Về chế độ đãi ngộ, hiện chúng ta đã có chính sách đãi ngộ nghệ nhân dân gian, tuy nhiên, cần mở rộng đối tượng đãi ngộ, quan tâm nhiều hơn đến những người trực tiếp tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong làng, xã…
Với lớp trẻ, cần lập các quỹ hỗ trợ và kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để họ có thêm điều kiện phát huy sức trẻ và khả năng sáng tạo trong việc khai thác nguồn tài nguyên di sản.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ!
Dantri.com.vn