Nhiều địa phương đón đầu xu hướng du lịch xanh
Việt Nam với chiều dài bở biển lên đến 3.260km là một trong 10 quốc gia có chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ cao nhất thế giới, cũng là đất nước có tới 2.360 dòng sông lớn, nhỏ. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng nên việc phát triển triển du lịch xanh giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, sau đại dịch Covid-19, du lịch xanh đảm có lợi cho sức khỏe luôn luôn được du khách đề cao, lựa chọn. “Để thu hút du khách, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, yêu cầu ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng sản phẩm du lịch xanh”- ông Siêu nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành chia sẻ: kết quả khảo sát của Công ty công nghệ du lịch Expedia Group (Hoa Kỳ) cho thấy, 90% du khách yêu thích những chuyến đi giảm “dấu ấn” môi trường, giúp hỗ trợ kinh tế và văn hóa địa phương, đồng thời có cơ hội khám phá các điểm đến mới.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, để đáp ứng nhu cầu của du khách, thời gian qua, mô hình du lịch xanh đang được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả. Từ năm 2017, Hội An xuất hiện tour chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak giới thiệu đã rất thu hút du khách. Chi phí cho một tour như vậy chỉ 10 USD/khách, chèo thuyền 4 giờ đồng hồ vừa ngắm cảnh vừa vớt rác. Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, sau đó thực sự rất hào hứng tham gia.
Tương tự, tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng rất quyết liệt trong việc nói không với rác thải nhựa khi yêu cầu du khách không mang sử dụng đồ nhựa dùng một lần các sản phẩm. Đồng thời các công ty du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô tổ chức các tour du lịch xanh.
Tỉnh Ninh Bình xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh, hướng đến trải nghiệm thiên nhiên. Tại Côn Đảo, khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo đã phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa biển nên thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Mặc dù du lịch xanh đã được nhiều địa phương triển khai qua đó thu hút khách, tuy nhiên, hoạt động này vẫn mang tính cục bộ mạnh ai nấy làm. Điều đó cho thấy muốn phát triển loạt hình du lịch này cần sự chung tay từ nhiều phía.
Phản ánh về những khó khăn trong quá trình phát triển du lịch xanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thông tin, có nhiều thách thức lớn về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh phải đối mặt. Cụ thể, nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về tăng trưởng xanh, trong khi cơ quan quản lý thiếu cơ chế, hướng dẫn phát triển du lịch xanh bởi chưa có bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng chung trên cả nước. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở du lịch, chưa có biện pháp tích cực xử lý rác, nước thải mà vẫn trực tiếp thải loại ra môi trường tự nhiên.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hội An Hà Thị Diệu Viên cho biết, khi đơn vị áp dụng tiêu chí xanh cho các sản phẩm, dịch vụ thì không phải du khách nào cũng nhận thức được ý nghĩa của việc làm này nên phản ứng rất gay gắt khi bị ngăn cản việc dùng sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Bên cạnh đó để đảm bảo tiêu chí xanh, doanh nghiệp phải đầu tư một số vốn không nhỏ vào các sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ phía cơ quan quản lý nhà nước…
Để khắc phục những khó khăn này, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đề xuất, để chuyển đổi du lịch xanh hiệu quả, phát triển bền vững cần phải có sự chung sức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân.
“Các địa phương, đơn vị cần có hành động cụ thể hơn, quy hoạch các khu vực cho phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng, thiết bị để giảm thiểu những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho người dân cần phải chuyển từ nhận thức sang hành động, ứng xử đúng mực tài nguyên thiên nhiên, văn hóa”- ông Thắng nói.
Dưới góc độ chuyên gia, Phó Trưởng đại diện chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman cho rằng, quản lý điểm đến là một quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương. Trong đó chú trọng sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng người dân, qua đó đưa ý kiến, quan điểm của họ phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương. “UNDP sẵn sàng hỗ trợ ngành du lịch trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch xanh để phát triển bền vững”- ông Patrick Haverman cam kết.
Đại diện cho công động doanh nghiệp du lịch đang phát triển du lịch xanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hà Hải cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích về thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững. Trong đó sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Đặc biệt, Bộ VHTT&DL ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. “Việc ban hành bộ tiêu chí sẽ là điểm tựa pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển loại hình du lịch này”- ông Hải nêu rõ.