Kỳ vọng về lợi nhuận phục hồi thị trường tiêu dùng, thông tin dòng vốn Bain Capital sắp rót có thể giúp cổ phiếu Masan (MSN) hút dòng tiền và gặt hái nhiều tích cực.
Tháng 11/2023, cổ phiếu Tập đoàn Masan (MSN) ở vùng 54.000 đồng, sau đó, cổ phiếu bắt đầu giai đoạn đi ngang slideway, tích lũy nền. Đến đầu tháng 3, MSN dần hồi phục, có lúc bật tăng lên mức 81.000 đồng. Điểm nhấn là trong phiên 5/3, cổ phiếu Masan bất ngờ bùng nổ và trở thành “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng của VN-Index. Đến 12/4, giá cổ phiếu trở về vùng 72.000 đồng, cách xa mức giá mà Bain Capital chấp nhận rót vốn vào Masan là 85.000.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, đà tăng vừa qua của MSN đến từ câu chuyện phục hồi sức mua, sản xuất dần trở mình, lãi suất thấp cùng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là trợ lực đáng kể để kích thích chi tiêu.
Điểm sáng cho MSN còn nằm ở điều kiện vĩ mô của thị trường. Theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê (GSO), tính chung 3 tháng đầu năm, hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm ngành có khả năng tăng trưởng bền vững, ít rủi ro hơn như công nghệ, y tế, dược phẩm, tiêu dùng, bán lẻ, tiện ích… thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư khối ngoại lẫn tổ chức. Năm nay Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% với nhiều động lực từ tiếp tục thu hút vốn FDI, hoạt động xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng trở lại, niềm tin tiêu dùng quay trở lại.
Triển vọng cho cổ phiếu MSN cũng đến từ câu chuyện rót vốn của Bain Capital – quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ quản lý khoảng 180 tỷ USD. Theo Masan công bố, Bain Capital sẽ hoàn tất giao dịch đầu tư 250 triệu USD cho công ty vào ngày 22/4. Masan cho biết số vốn 250 triệu USD sẽ tăng cường nguồn lực, giúp gia tăng thanh khoản để đáp ứng mọi nghĩa vụ tài chính, đồng thời mang lại sự linh hoạt cho công ty trong việc triển khai các sáng kiến chiến lược.
Nhận định về tiềm năng cổ phiếu MSN, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) giai đoạn khó khăn nhất của tập đoàn đã qua. Lợi nhuận hồi phục, chi phí tài chính giảm dần sẽ là động lực tăng trưởng của cổ phiếu trong thời gian gian tới. Đơn vị phân tích cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số bluechips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đồng quan điểm, chứng khoán BIDV (BSC) dự báo mảng tiêu dùng cốt lõi gồm Masan Consumer, WinCommerce (công ty vận hành chuỗi WinMart) đã dần tiến tới điểm hiệu quả khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giai đoạn 2023-2025 đạt tới 20,8% so với giai đoạn 2021-2023 chỉ là 9%.
Về phía Masan, năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng 7-15% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290-4.020 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 17% và gấp đôi so với năm 2023, tùy vào điều kiện vĩ mô.
Động lực để doanh nghiệp kỳ vọng sự tăng trưởng do những trụ cột của Masan như Masan Consumer Holdings (MCH), WinCommerce (WCM), Masan MEATLife (MML) ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực.
Nhân viên siêu thị WinMart đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Masan
Năm ngoái, chiến lược “Go Global” của MCH đã giúp doanh thu xuất khẩu tăng lên 1.005 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2022. Với mảng siêu thị, mức tăng trưởng của WinCommerce (WCM) được thúc đẩy bởi mở rộng mạng lưới và kết quả tích cực của các cửa hàng mới. Đơn vị đặt kỳ vọng đạt doanh thu thuần năm nay từ 32.500-34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ từ 8% đến 13%.
Masan MEATLife (MML) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100-7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà. Ở mảng F&B, Phúc Long (PLH) đặt mục tiêu mang về từ 1.700-2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ.
Masan cho biết sẽ tiếp tục giảm đòn bẩy để cải thiện bảng cân đối kế toán, giảm lợi ích ở các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ. Doanh nghiệp đặt mục tiêu gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khẩu hao và lãi vay) bền vững dưới mức 3,5 lần.
Thái Anh